MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bốc” cả thôn để làm khu du lịch

Toàn bộ 137 hộ dân tại thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, Bình Định) sắp phải dời đi để giao đất cho doanh nghiệp.

Người dân nơi đây rất lo lắng vì một tương lai bất an trước mắt họ.

Tiền đền bù không đủ xây lại nhà như cũ

Toàn bộ thôn Hải Giang với 137 hộ dân (trên 500 nhân khẩu) đang hồi hộp trước cuộc di dời đến Khu tái định cư (TĐC) Nhơn Hải, xã Nhơn Hội, TP.Quy Nhơn để nhường đất cho doanh nghiệp xây dựng khu du lịch. Trước đó, cuối tháng 3.2013, doanh nghiệp đã khởi công xây dựng khu du lịch Hải Giang (Nhơn Hải) với diện tích 656,25ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.424 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tý (50 tuổi, thôn Hải Giang) cho biết, ngôi nhà xây kiên cố 82m2 sàn của gia đình được định giá đền bù 1,8 triệu đồng/m2, thế nhưng giá thuê xây dựng ngôi nhà cấp 4A tương tự lúc này là 3 triệu đồng/m2. Như vậy, số tiền đền bù không đủ xây một ngôi nhà tương tự. Bà Nguyễn Thị Hậu (50 tuổi, ở Hải Giang) cũng than thở: Giá đền bù nhà, đất vườn là “rẻ quá, không đủ mua đất, cất nhà tại khu TĐC. Đất sản xuất tại khu TĐC lại không có. Trong khi đó, khi người dân yêu cầu đối thoại thương lượng với nhà đầu tư thì không được đáp ứng”.

Ngư dân Huỳnh Văn Hải (thôn Hải Giang) lo lắng: “Nếu dọn về khu TĐC Nhơn Phước, thì đường ra biển tới 20km. Như thế là quá xa, làm nghề biển rất khó, mà không có nghề nào khác để làm”. Còn ông Nguyễn Khương – Trưởng thôn Hải Giang cho hay: “Tất cả thắc mắc, bất bình của bà con đã được đề đạt lên cấp thẩm quyền nhưng mọi việc cứ căn theo chủ trương, hạn mức ở trên đưa xuống”. Theo ông Khương, có tất cả 570 ngôi mộ của người dân Hải Giang đã được các gia đình di chuyển vào khu cải táng xã Nhơn Hải, với mức đền bù từ 1–20 triệu đồng/mộ.

Mọi chuyện đã an bài?

Khi phóng viên NTNN liên hệ phỏng vấn ông Man Ngọc Lý – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Bình Định, thì ông nói “bận, chỉ trả lời được qua email”. Sau đó, ông viết: “Có thể nói, diện di dời trong Khu kinh tế Nhơn Hội là tương đối nhỏ, có những Khu kinh tế khác (như Nghi Sơn, Vũng Áng…) còn phải di dời cả một huyện với hàng nghìn hộ dân… Vì vậy, việc các hộ dân Hải Giang phải di dời là việc cần thiết để thực hiện dự án du lịch Hải Giang, một dự án du lịch trọng điểm của tỉnh”.

Ông Lý cũng cho rằng: “Việc bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc là phù hợp với quy định và giá cả hiện hành, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện xây dựng nhà mới tại khu TĐC”; “việc ngư dân Hải Giang đến ở tại khu TĐC Nhơn Phước vẫn thuận lợi khi tiếp tục nghề biển mà không ảnh hưởng lớn so với nơi ở cũ” (?).

Trước câu hỏi: “Khu TĐC không có đất làm ruộng, vậy nông dân sẽ sống bằng gì?”, ông Lý cho biết: “Do không có đất nông nghiệp để bồi thường nên khi thu hồi đất nông nghiệp thì chính sách có quy định hỗ trợ bằng tiền gấp 3 lần giá đất nông nghiệp bị thu hồi (các dự án ngoài khu kinh tế chỉ được 2 lần) và 50m2 đất dịch vụ bố trí kèm với đất ở tại khu TĐC để các hộ có điều kiện tự đổi nghề nghiệp và tạo việc làm phù hợp với nơi ở mới”.

Về nguyện vọng của người dân muốn đối chất với nhà đầu tư, ông Lý viện dẫn Luật Đất đai năm 2003: Về quy định thì Nhà nước thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư... Do vậy, “người dân Hải Giang đặt vấn đề đối chất với nhà đầu tư để thương lượng về giá trị bồi thường là không phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước” – ông Lý trả lời.

Theo Hùng Phiên

ngatt

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên