MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các dự án bất động sản: Xin dễ, dừng khó!

Sau gần một năm Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị rà soát lại các dự án nhà ở và xem xét tạm dừng các dự án thì đến nay số lượng dự án tạm dừng chỉ chiếm 4% tổng số dự án.

Trong khi suốt một thời gian dài trước đó, các địa phương đã hào phóng “thả phanh” cho các chủ đầu tư xin dự án dẫn tới hàng hoạt công trình dang dở, bỏ hoang...

Chỉ 3,7% dự án xin dừng


Từ cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg  về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản (BĐS) yêu cầu các địa phương phân loại dự án phát triển nhà ở tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh và các dự án dừng triển khai.

Báo cáo của 19 địa phương về tình hình phát triển thị trường BĐS gửi Chính phủ về các dự án cần  tạm dừng triển khai là 138 dự án với tổng diện tích đất: 4.361ha. Hiện nay, Hà Nội chưa có số liệu về các  dự án tạm dừng, TP HCM có 37 dự án tạm dừng.

Cách đây gần một năm, trong lần gặp gỡ các DN xây dựng - BĐS khu vực phía Bắc, tư lệnh ngành xây dựng từng thẳng thắn chỉ rõ Hà Nội có khoảng 20.000ha đất giao cho các dự án nhưng không phải tất cả đã được thực hiện.

“Điều may nếu tất cả thực hiện thì càng khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói. Người đứng đầu ngành xây dựng cũng đưa ra giải pháp: Những dự án không phải là công trình mà chưa bức thiết thì những dự án này cần dừng lại, không giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, sau gần một năm với lời cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thực tế ở địa phương, các dự án tạm dừng không được bao nhiêu. Bộ Xây dựng thống kê các dự án tạm dừng chỉ ở mức 3,7% tổng số dự án nhà ở. “Các địa phương chưa  triển khai mạnh việc rà soát và phân loại dự án, kết quả thực hiện việc tạm dừng nhìn chung chưa đạt yêu cầu“, báo cáo với Chính phủ về hoạt động thị trường BĐS tháng 5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết.

Hậu quả của việc cấp phép tràn lan

Trong khi các dự án nhà ở tạm dừng “quá ít và không đạt yêu cầu” thì cũng trong báo cáo này, Bộ Xây dựng cảnh báo thực trạng Hà Nội và TP HCM có thể thừa nhà ở.

Bộ Xây dựng  tính toán theo mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đã nêu trong chiến lược phát triển nhà ở,  chỉ tiêu phát triển nhà ở đô thị của Hà Nội đến năm 2020 cần phát triển thêm khoảng 60 triệu m2 nhà ở, bao gồm cả nhà ở do dân tự xây, trong khi diện tích nhà ở trong các dự án đã giao chủ đầu tư là hơn 82 triệu m2, tương đương khoảng 520.695 căn hộ.

Tại TP HCM, số liệu này là 65,7 triệu m2 so với diện tích nhà ở trong các dự án đã giao chủ đầu tư là gần 80 triệu m2, tương đương khoảng 572.422 căn, trong khi số hộ gia đình khu vực đô thị của TP hiện nay là 1,5 triệu hộ.

Nói về thực trạng dự án nhà ở cấp phép mất cân đối cung cầu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thẳng thắn chỉ ra rằng: “Từ xưa đến nay trong luật cũng như trong các văn bản của mình đều bảo dự án này dự án kia phát triển theo quy hoạch, chả ai nói đến kế hoạch cả. Nói cách khác, trong quy hoạch của mình không có trục thời gian”.  “Đáng nhẽ, năm nay cấp từng này, năm sau cấp từng này, đến năm 2030 cấp thêm chút nữa. Cấp từng giai đoạn, để tương ứng với cầu”, ông Nam nói.

Kiến nghị giải pháp xử lý các dự án bỏ hoang, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam  cũng cho rằng: Trong khi chờ đợi sửa đổi Luật Đất đai nên kiến nghị với Nhà nước dừng cấp phép tất cả các dự án kiểu đô thị mới, phải thu hồi đất sau đó cấp cho chủ đầu tư.

“Tất cả các dự án Nhà nước đứng ra lập quy hoạch, quy hoạch chung, thu hồi đất, lập ban quản lý, đấu giá đất thì mới có thể thu được chênh lệch địa tô. Có như thế Nhà nước mới thu hồi được khoản địa tô, nhưng ở Việt Nam lại không làm, nên phần này rơi vào chủ đầu tư, nhóm lợi ích”, ông Hùng cho hay.     

Theo Lê Hoàng

ngatt

Pháp Luật Xã Hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên