MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hà Nội: “Dự án Tây Hồ Tây làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của Hà Nội”

Theo kết luận của Chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo thời gian qua Dự án Tây Hồ Tây rất chậm tiến độ, gây ảnh hưởng về nhận thức chưa đúng đối với môi trường đầu tư của TP Hà Nội.

Dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây có quy mô 207ha do Công ty T.H.T của Hàn Quốc triển khai đầu tư. Từ năm 2002 đã triển khai lập quy hoạch 1/2000 và đến 2007 Thành phố Hà Nội đã duyệt quy hoạch 1/500, có tính chất là khu đô thị mới đồng bộ của Thủ đô, với các chức năng trung tâm tài chính, thương mại, văn hóa và khu nhà ở cao cấp.

Tuy nhiên, trong suốt thập kỷ qua việc triển khai dự án gặp rất nhiều vướng mắc về GPMB, nguồn lực đầu tư, công tác điều chỉnh quy hoạch,…đến nay vẫn chưa xong việc giải phóng mặt bằng, bồi thường để giao đất sạch cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Đã có rất nhiều các văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Dự án này của Thành phố, và mới đây nhất TP ra thông báo sẽ cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất tại dự án xây dựng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây trước 15/1/2014.

Ngày 7/1/2014, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã ra văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo liên quan đến buổi họp mới đây về việc kiểm điểm tiến độ Dự án này.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, Dự án Tây Hồ Tây dự kiến hình thành và đưa vào sử dụng năm 2016 sẽ góp phần hiện đại hóa Thủ đô, là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai dự án lại gặp khó khăn, chậm tiến độ, gây ảnh hưởng về nhận thức chưa đúng đối với môi trường đầu tư của TP Hà Nội.

Có hai nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến điều này. Thứ nhất, là việc điều chỉnh quy hoạch về địa điểm công trình văn hóa từ phía Tây ra phía Đông, là lựa chọn vị trí thích hợp đầu tư xây dựng Nhà hát Thăng Long; Điều chỉnh quỹ đất xây dựng trụ sở một số cơ quan Trung ương thực hiện di dời một số Bộ, ngành của Chính phủ trong khu nội đô.

Thứ hai, do thiếu nguồn lực đầu tư và công tác GPMB gặp khó khăn. Nguồn lực đầu tư của chủ dự án giảm sút do khủng hoảng kinh tế. Được biết, mới đây Chủ dự án đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng Phát triển KDB của Hàn Quốc thu xếp nguồn vốn 200 triệu USD để thực hiện giai đoạn 1 dự án này. Công tác GPMB khó thực hiện do thiếu vốn và thiếu cơ chế chính sách đồng bộ.

Tuy nhiên, đến nay Hà Nội cũng đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh 1/500 vào tháng 9/2013 cho dự án, và chủ đầu tư cũng đã nhận được cam kết tài trợ vốn của ngân hàng. Do vậy, UBND Tp Hà Nội yêu đã yêu cầu các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án.

Một là, UBND huyện Từ Liêm và Trung tâm quỹ đất phải bàn giao đất “sạch” cho chủ đầu tư triển khai giai đoạn 1, hoàn thành trước tháng 1/2014. TP cũng giao cho các bên liên quan giải quyết dứt điểm và thỏa đáng đền bù cho phần đất nông nghiệp đã giao cho người dân theo Nghị định 64.

Chấp thuận kiến nghị của Công ty TNHH phát triển T.H.T khởi công dự án trong tháng 1/2014.

Về việc điều chỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, sẽ xem xét báo cáo UBND Thành phố trong tháng 1/2014, trong quá trình triển khai Sở kế hoạch và Đầu tư phối hợp với chủ dự án, đồng thời xin ý kiến các Bộ, ngành của Chính phủ, ý kiến các Sở, ngành để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhà đầu tư.

TP cũng chấp thuận đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ đầu tư dự án tách  dự án Nhà hát Thăng Long và các công trình văn hóa thành dự án riêng.

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên