Chủ tịch Hà Nội: “Không thể để dự án đường sắt chậm trễ!”
“Các anh cứ ngồi đấy mà cãi nhau, trong khi tiền đằng nào cũng phải trả. Phải có sự đột phá để đẩy mạnh tiến độ, không thể để dự án đường sắt chậm trễ thế này được”.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phê bình và đưa ra chỉ đạo khi làm việc với chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội (số 3) và các bên liên quan vào sáng 24/2.
Tại buổi làm việc, ngoài chủ đầu tư còn có các đơn vị liên quan khác như Sở Tài chính, Kế hoạch đầu tư, giao thông, Ban Giải phóng mặt bằng, huyện Từ Liêm… nhưng trong quá trình thảo luận, các đơn vị chưa tìm ra được tiếng nói chung.
Một trong những khó khăn, vướng mắc lớn của dự án đường sắt số 3 hiện nay là hợp đồng giữa chủ đầu tư với đơn vị tư vấn Systra (Pháp) đã hết hạn.Theo đại diện chủ đầu tư – Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh, hợp đồng về thời gian với đơn vị tư vấn đã hết hạn từ 10/11/2013, với giá trị hợp đồng hơn 22 triệu Euro, thời gian 68 tháng.
Theo kế hoạch thời gian triển khai dự án chỉ đến hết tháng 9/2017. Tuy nhiên cả chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đều cho rằng, dự án sẽ kéo dài đến cuối năm 2018. Bởi vậy chủ đầu tư đang phải thương thảo với tư vấn Systra để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến hết tháng 11/2018. Tuy nhiên mức giá hợp đồng được đơn vị tư vấn đưa ra trên 43 triệu Euro, lớn hơn giá trị đã được phê duyệt.Một vướng mắc khác đối với đơn vị tư vấn là các cơ quan quản lý của Việt Nam yêu cầu bên tư vấn thanh toán bồi hoàn theo hình thức thực thanh thực chi (các khoản chi phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ). Tuy nhiên phía tư vấn lại đề nghị thanh toán chi phí bồi hoàn theo hình thức đơn giá theo quy định trong hợp đồng…
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, nếu không có đơn vị tư vấn thì không thể triển khai được dự án, bao nhiêu công việc sẽ bị đình lại hết. Sau khi hết hạn hợp đồng, phía tư vấn Systra đã xin rút, không tham gia dự án nữa. Theo ông Hùng, đơn vị chủ đầu tư cần khẩn trương làm việc với đối tác, xem cuối cùng thì đơn vị này có tham gia dự án tiếp không.
Còn việc thanh toán bồi hoàn, giám đốc Hùng cho rằng, chủ đầu tư cần phải chủ động, chứ không thể phụ thuộc vào bên tư vấn. Toàn bộ những chi phí như ăn ở, đi lại của bên tư vấn sang Việt Nam làm việc phải xuất phát từ yêu cầu cụ thể của chủ đầu tư, đồng thời phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì sẽ thanh toán. Những khoản chi phí khác nếu không phù hợp sẽ không chấp nhận thanh toán.
Ngoài chủ đầu tư, các đơn vị liên quan cũng phản ánh nhiều vấn đề bất cập từ dự án đường sắt số 3. Trước những vướng mắc được đề cập, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định, khi đã đấu thầu rồi mà lại không triển khai dự án là điều hết sức vô lý. Ông Thảo đánh giá tốc độ triển khai của dự án quá chậm so với tiến độ đề ra.
“Các anh cứ ngồi đấy mà cãi nhau, trong khi tiền đằng nào cũng phải trả. Tình trạng dự án đường sắt hiện nay là vô cùng khó chịu. Đấu thầu dự án, giải phóng mặt bằng xong rồi cũng chẳng để làm gì vì thiếu bên tư vấn. Đã đấu thầu rồi, trúng thầu rồi thì phải đảm bảo thời gian, triển khai dự án. Các đơn vị chỉ biết đùn đẩy trách nhiệm. Tại sao TP.HCM họ làm nhanh thế, sao mình không học theo?”. Ông Thảo cũng thẳng thắn đánh giá, các đơn vị đang “làm ăn theo kiểu sờ mó”, nghĩa là thỉnh thoảng mới sờ đến một tý chứ chưa thực sự quyết liệt.
Để tháo gỡ những vướng mắc giữa chủ đầu tư và tư vấn Systra, Chủ tịch Hà Nội “mách” tại sao không mời đơn vị kiểm toán vào tính toán cho rõ ràng, thống nhất? Nếu dự án đường sắt đô thị số 3 cứ để tình hình trên kéo dài, ông Thảo cho biết sẽ yêu cầu thanh tra công vụ vào cuộc để xử lý trách nhiệm, không còn cách nào khác.Khắc phục tình trạng chậm tiến độ, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giao huyện Từ Liêm chậm nhất đến 30/4 phải hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng. Đối với chủ đầu tư, chậm nhất đến đầu tháng 3 này phải ký được hợp đồng gia hạn với đơn vị tư vấn Systra.
“Phải có sự đột phá để đẩy mạnh tiến độ dự án đường sắt số 3. Không thể để dự án chậm trễ thế này được” – Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo quả quyết.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội đi qua huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Dự án có tổng chiều dài 12,5 km, đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đi ngầm 4 km. Tổng mức đầu tư dự án 1.176 triệu Euro, tương đương 32.910 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2009 – 2017, nhưng có thể sẽ phải kéo dài đến hết tháng 11/2018.
Theo Nguyễn Dũng