Chung cư Era Town: Mang cư dân… thử nghiệm
Công trình chưa được nghiệm thu về chất lượng nhưng chủ đầu tư chung cư Era Town đã đưa người dân vào ở
- 10-01-2016Kiểm tra toàn diện chung cư Era Town
- 07-01-2016TPHCM: Sẽ xử lý dứt điểm tranh chấp tại chung cư The Era Town
- 04-01-2016Chủ đầu tư chung cư The Era Town nói gì về vụ đánh người chảy máu?
Trong các đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng, người dân chung cư Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM) cho biết chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đức Khải đã bàn giao nhà, đưa công trình vào sử dụng từ tháng 4-2013. Song, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Biện hộ lòi ra vi phạm
Quyết định 08 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Tháng 5-2015, Sở Xây dựng TP HCM có văn bản xác định việc tổ chức hội nghị nhà chung cư Era Town phải được tiến hành từ tháng 6-2014.
Trước phản ánh này, Công ty CP Đức Khải cũng có văn bản gửi cơ quan chức năng, trần tình rằng công trình được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng nghiệm thu và chứng nhận vào tháng 10-2014 nên đến tháng 10-2015 mới hết thời hạn tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định. Sau đó, Sở Xây dựng một lần nữa có văn bản xác định thời hạn tổ chức hội nghị nhà chung cư tại Era Town là tháng 10-2015.
Nghị định 15/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi chủ đầu tư hoàn tất công tác nghiệm thu theo đúng quy định pháp luật. Như vậy, dù biết công trình chưa được kiểm tra chất lượng, nghiệm thu nhưng chủ đầu tư và nhà thầu vẫn đưa người dân vào ở.
Sai chồng sai
Theo luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP HCM, chủ đầu tư chung cư Era Town có rất nhiều sai phạm. Việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, chủ đầu tư và cư dân cần tuân theo Quyết định 08 của Bộ Xây dựng. Chung cư đã đưa vào sử dụng tháng 4-2013 (có biên bản bàn giao, sử dụng giữa chủ đầu tư và người dân) và đã bán trên 50% mà không tổ chức hội nghị nhà chung cư thì thật ra, chủ đầu tư muốn kéo dài thời gian giữ quỹ bảo trì 2% vì số tiền này khá lớn.
Công ty CP Đức Khải không thể vin vào lý do năm 2014 mới được Bộ Xây dựng nghiệm thu chất lượng công trình nên lấy đó làm mốc để tính thời gian bắt đầu tổ chức hội nghị nhà chung cư. Chủ đầu tư chưa tiến hành nghiệm thu đã đưa người dân vào ở là trái với Nghị định 15/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nếu xảy ra sự cố công trình trong quá trình người dân sống tại đây thì hậu quả khôn lường vì dân số đông, công trình lại cao tầng.
“Để xảy ra những sai phạm này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, đồng thời cũng cho thấy khâu hậu kiểm yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước” - luật sư Hải nhận xét. Theo ông, trong giấy phép xây dựng luôn có thời gian hoàn thành công trình nhưng đơn vị cấp phép không quan tâm kiểm tra xem đến thời gian cho phép, chủ đầu tư đã xây xong chưa, có đúng giấy phép, đúng chất lượng cam kết hay không… nên mới có chuyện công trình đưa vào sử dụng cả năm mà không nghiệm thu. Thậm chí, Cục Kiểm định - Bộ Xây dựng trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu công trình cũng không phát hiện việc chủ đầu tư làm sai quy trình để phản ánh đến cấp thẩm quyền xử lý.
“Sở Xây dựng TP HCM nên nghiêm túc nhận trách nhiệm lơ là khâu hậu kiểm, để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật. Đồng thời, cần xử lý nhà đầu tư để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật thay vì nói theo chủ đầu tư. Như vậy là sai chồng sai!” - luật sư Hà Hải nhận định.
Ở góc độ chuyên môn, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng pháp luật đặt ra quy định nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng là để kiểm soát chất lượng công trình, đề phòng và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng. “Quy định mới hiện nay - bên cạnh văn bản nghiệm thu chất lượng công trình còn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng do Sở Xây dựng cấp thì công trình mới được đưa vào sử dụng - đã cho thấy tầm quan trọng của việc ngăn ngừa sự cố ngay từ đầu. Việc chưa nghiệm thu đã đưa dân vào ở chẳng khác nào đem họ ra thử nghiệm” - ông đánh giá.
Do vấn đề nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người nên theo PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, không chỉ phạt hành chính vài chục triệu đồng như quy định hiện hành mà phải xử lý hình sự mới thấy hết trách nhiệm của chủ đầu tư với cộng đồng, cũng như có tác dụng răn đe các chủ đầu tư vô trách nhiệm khác.
“Điên đầu” với báo cháy giả
Bên cạnh việc chưa nghiệm thu công trình, ông Lê Trung Phát, người dân sống tại chung cư Era Town, cho biết lúc bàn giao căn hộ, chủ đầu tư cũng chưa được kiểm tra, chưa được cấp phép hệ thống PCCC. Trong quá trình vận hành thực tế, hệ thống PCCC của chung cư thường gặp sự cố, như hiện tượng báo cháy giả, khiến người dân “điên đầu”. Để đối phó tình trạng này, ban quản lý do chủ đầu tư thuê đã ngắt luôn hệ thống chuông báo cháy tại các tòa nhà!