MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Cư dân nghĩ gì?] Nam Đô complex lợi thế về vị trí, dịch vụ còn hạn chế

Nam Đô Complex từng hút khách mua bởi có vị trí khá gần khu trung tâm Hoàn Kiếm, tuy nhiên sau khi vào sử dụng khu chung cư lại mang nhiều tai tiếng với chất lượng dịch vụ.

Nam Đô Complex là một tổ hợp bao gồm nhà ở cao tầng, dịch vụ thương mại, văn phòng và trường học nằm tại số 609 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest) làm chủ đầu tư. Công trình gồm 2 khối căn hộ CT1 (2 block A&B), khối CT2 (2 block A&B) cao 25 – 28 tầng và một nhà hỗn hợp 14 tầng.


Nam Đô Complex nằm ngay mặt đường Trương Định

Dự án được khởi công vào ngày 23/10/2010 và hoàn thành năm 2013. Cư dân đã chuyển về sinh sống tại đây từ cuối năm 2013.


Hiện tại công trình đã đưa vào sử dụng

Chuyển đến ở từ đầu năm 2014, anh T cư dân tòa nhà CT2A cho biết, ban đầu anh chọn dự án này là bởi vị trí nằm gần khu trung tâm, cách hồ Hoàn Kiếm tầm hơn 5km. So với một số dự án cùng khu vực thì Nam Đô Complex có thiết kế căn hộ khá thoáng, giá cũng chấp nhận được. Bên cạnh đó, có trường mầm non nên sau này vợ chồng anh cũng không vất vả với việc đưa đón con gái đi học.

Còn chị U, chủ một căn hộ tại tòa CT1B thì nhận xét, sau khi đến ở một thời gian chị cảm thấy hài lòng về các tiện ích tại đây. Khu chung cư có đầy đủ trung tâm thương mại, siêu thị, khu mua sắm, khu thể thao, phòng khám đa khoa, spa, khu vui chơi giải trí, nhà hàng… Chị U cũng cho biết, do chung cư mới đi vào sử dụng nên chất lượng vệ sinh đảm bảo, an ninh tốt.

Theo đánh giá của bác H cư dân tòa nhà CT1A, nhà bác trước đây thuộc diện giải tỏa để làm đường vành đai 2,5. Chung cư Nam Đô Complex gần với khu nhà bác bị giải tỏa, mặt khác thời điểm 2012-2013 dự án có tiến độ khá tốt so với các dự án khác cùng khu vực. Vì vậy, gia đình bác đã quyết định xuống tiền mua ngay căn hộ tại dự án từ đầu năm 2013.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn chuyển đến ở, có một số vấn đề trong khu chung cư khiến bác H vẫn thấy chưa được hài lòng. Thứ nhất là việc khu vực trường mầm non hiện vẫn đang được xây dựng nên gây ồn, bụi bặm và mất vệ sinh môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, mỗi giờ cao điểm cổng chính của khu chung cư luôn trong tình trạng ùn tắc gây khó khăn cho việc đi lại.

Cổng chính vào khu Nam Đô Complex nằm ngay đối diện với ngã ba giao cắt đường Trương Định với đường Giáp Bát nên phương tiện qua lại rất đông.

Về vấn đề nước sinh hoạt, bác H cho biết, trước đó cư dân khu vực bác ở đã mang mẫu nước sinh hoạt đi kiểm nghiệm thì kết quả nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể là hàm lượng Asen – chất gây ung thư - cao gấp 2 lần cho phép của Bộ y tế. Hiện, chủ đầu tư đã thau rửa đường ống và đã có biện pháp xử lý, tuy nhiên, đa phần người dân vẫn chưa cảm thấy yên tâm về nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

Tại khu nhà CT2B và CT2A nhiều hộ dân cũng phàn nàn về vấn đề thang máy. Cụ thể, chủ đầu tư không thi công thang cuốn cho các khối đế chính mà đã tận dụng hệ thống thang máy cho Khu căn hộ CT2A, CT2B vốn dành riêng cho các hộ dân để phục vụ cho khu khu thương mại, văn phòng. Điều này làm ảnh hưởng đến an ninh và an toàn đi lại của cư dân.

Đặc biệt, tại tòa CT2B có hồ bơi và phòng tập Gym trên tầng 4, lượng khách bên ngoài ra vào nhiều khiến thang máy luôn trong tình trạng quá tải giờ cao điểm buổi chiều. Hơn thế nữa, khách đi ra từ hồ bơi nhiều khi còn mặc nguyên đồ bơi gây mất mỹ quan khu dân cư.


3 thang máy tòa CT2B được thiết kế dành riêng cho cư dân nhưng đang bị chiếm dụng cho khu thương mại

Bể bơi trên tầng 4 của tòa CT2B

Sau khi nhận được nhiều phản hồi tiêu cực của cư dân về chất lượng dịch vụ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Thanh Sơn, Trưởng Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô Complex vào ngày 22/5. Ông Sơn cho biết, gia đình ông nhận nhà từ tháng 7/2013 và chính thức chuyển về đây sinh sống từ tháng 10/2013. Tuy nhiên, mới chỉ sau hơn 5 tháng sinh sống, gia đình ông và nhiều gia đình khác đã gặp những phiền phức trong cuộc sống.

Cụ thể, Việc Nam Đô Complex ký hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông với một đơn vị với giá cao, nhưng chất lượng không đảm bảo cũng khiến nhiều người dân bức xúc. Dù các hộ dân đã làm đơn đề nghị thay đổi nhà cung cấp nhưng vẫn không thấy chủ đầu tư giải quyết.

Diện tích hồ nước và cây xanh của cư dân bị “hô biến” thành quán café

Đặc biệt, cư dân rất bức xúc khi chủ đầu tư đã biến diện tích sử dụng chung thành diện tích kinh doanh bằng việc “hô biến” một hồ nước và cây xanh của cư dân thành quán café.

"Hiện nay chủ đầu tư đã có thông báo tăng phí dịch vụ từ quý 2 năm 2014 là 5.000 đồng/m2. Tuy nhiên, khi cư dân yêu cầu công khai phí dịch vụ dịch thì GP Invest tìm cớ lảng tránh", ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, một vấn đề nghiêm trọng khác là khi chuyển về ở, người dân mới phát hiện chủ đầu tư đã không làm hệ thống cung cấp gas tổng như trong hợp đồng đã ký. Qua đấu tranh nhiều lần, chủ đầu tư cuối cùng đã phải “xuống nước” bằng cách bồi thường cho mỗi hộ gia đình số tiền gần 8 triệu đồng. Ông Sơn cho biết, nếu triển khai hệ thống gas tổng, chủ đầu tư có thể sẽ phải bỏ thêm ra khoảng 30 tỷ đồng, như vậy, số tiền bồi thường nếu chia đều cho các hộ dân phải cao hơn nhiều mức 8 triệu đồng mà người dân được nhận.

Lan Anh

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên