“Cú sốc” về sai phạm của HUD và TSQ Việt Nam
Tổng Công ty HUD thì chuyển nhượng đất trái phép, TSQ Việt Nam thì bị “tuýt còi” về sai sót trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về việc thuê đất…
Hoạt động kinh doanh bất động sản của HUD và TSQ Việt Nam gần như im hơi lặng tiếng trong suốt thời kỳ bất động sản suy thoái (2011-2013), gần như các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội của hai đại gia này đều trình trệ. Hoạt động trên thị trường vắng bóng nhưng cả hai ông lớn BĐS này lại để lại “cú sốc” về những sai phạm, “bầy nhầy” trong vấn đề nghĩa vụ tài chính,…
Trong văn bản UBND Thành phố Hà Nội gửi các cơ quan, ban ngành, Cục Thuế Hà Nội, HUD và TSQ Việt Nam vừa bị “tuýt còi” và xử lý sau thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại nhiều dự án bất động sản lớn mà hai đơn vị này đã và đang triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, Tổng Công ty HUD đã chuyển nhượng trái phép ô đất NT1 tại dự án Khu đô thị mới Định Công cho trường mầm non tư thục Bình Minh, vì đây là khu đất phục vụ xây dựng công trình công cộng. Do, đó TP đã yêu cầu HUD phải nộp lại số tiền có được do chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật từ Trường Mầm non tư thục Bình Minh vào ngân sách thành phố. Sở Tài chính, Cục thuế thành phố cũng phải làm rõ các khoản nghĩa vụ tài chính và truy thu tiền sử dụng đất tạm tính đối với dự án nói trên. Sau 3 tháng nếu không thực hiện, thành phố sẽ tiến hành thu hồi dự án.
Bên cạnh đó, ô đất ký hiệu CC3A, B, C tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 cũng do HUD là chủ đầu tư, cơ quan thanh tra TP cũng đã phát hiện xây dựng trái phép ở đây. Hà Nội yêu cầu Cục Thuế Hà Nội truy thu tiền thuê đất đối với các đơn vị đã nhận bàn giao từ HUD là Công ty Xây dựng công trình Thăng Long 9, Công ty Cơ khí xây dựng Tân Quang và Công ty Phát triển hạ tầng và thương mại tổng hợp, kể từ thời điểm nhận bàn giao đất từ Tổng công ty HUD.
Trước đo vào cuối 2013, HUD cũng đã bị cơ quan quản lý nhà nước về đất đai nhắc nhở rất nhiều đến nghĩa vụ tài chính của đơn vị này đối với Nhà nước. Trong đó có tiền nợ thuế, phí tại rất nhiều dự án bất động sản lớn như Việt Hưng và Pháp Vân - Tứ Hiệp, Vân Canh, KĐT Bắc Tp Hà Tĩnh,…HUD cũng còn nợ một phần nghĩa vụ tài chính tại tại dự án Vân Canh, HUD đã nộp hơn 438 tỷ đồng theo yêu cầu của thành phố, nhưng có một phần diện tích của dự án này vướng vào quy hoạch nên phải tạm dừng.
Mới đây, lãnh đạo Hà Tĩnh cũng đã ra tối hậu thư cho HUD về việc còn nợ hơn 78 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 4,5 tỷ tiền nợ phạt chậm nộp tại Dự án khu dân cư đô thị tại KĐT Bắc Tp. Hà Tĩnh.
Không chỉ có HUD mà còn nhiều đơn vị kinh doanh địa ốc khác cũng vừa bị Tp Hà Nội nhắc nhở về việc sử dụng và quản lý đất đai. Trong đó, TSQ Việt Nam cũng đã tạo nên “cú sốc” khi cơ quan quản lý phát hiện có sai sót trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về việc thuê đất của dự án tại dự án Trung tâm tài chính - thương mại và các công trình phụ trợ tại khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông. Hà Nội yêu cầu cơ quan thuế kiểm tra và truy thu nghĩa vụ tài chính với dự án trên.
Cuối năm 2013 vừa qua, nhiều đại gia khác tại Hà Nội cũng đã bị cơ quan quản lý liệt vào “danh sách đen” về vấn đề nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, như Bitexco cũng bị nhắc nhở nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính ở Khu đô thị Mỹ Đình –Mễ Trì đã bàn giao nhà cho khách hàng từ năm 2007 quy mô 684 căn, trong đó có 57 căn thấp tầng; Sudico, chủ dự án Mỹ Đình - Mễ Trì cũng chưa hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế, phí với thành phố do chưa xác định được phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành xây dựng…
Tháng 11/2013, Cục Thuế Hà Nội đã có báo cáo về tình hình nợ thuế của các doanh nghiệp, theo đó, có 2 khoản nợ đọng thuế lớn làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách của TP là thuế phí và các khoản liên quan đến đất đai; thuế nợ đọng của doanh nghiệp. Có 76 doanh nghiệp có số nợ đọng thuế lớn nhất với gần 1.800 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến cuối tháng 6/2013 có 47 dự án nợ tiền sử dụng đất với hơn 3.200 tỷ đồng. Toàn bộ các dự án này đều thuộc diện không được gia hạn theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư 16 của Bộ Tài chính về miễn, giãn, hoãn tiền sử dụng đất.
Nhật Nam