MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến khách hàng và chủ dự án càng cam go

Trong không khí hối hả chuẩn bị Tết Nguyên đán thì hàng loạt khách hàng cũng dồn dập đi kiện chủ đầu tư để mong vớt vát lại số tiền tỷ đã đổ những dự án "bất động".

Dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư "trốn biệt"

Ngày 23/1/2013, đại diện hàng trăm hộ dân đóng tiền mua căn hộ tại dự án Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp 52 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội làm chủ đầu tư đã kéo đến Tổng Công ty Lilama (Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam) để yêu cầu giải quyết quyền lợi.

Đây là những hộ dân đã đóng 70%-95% số tiền mua nhà tại dự án trên (khoảng 1- 2 tỉ đồng). Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn bàn giao nhà một năm mà nhà đâu không thấy còn chủ đầu tư thì trốn biệt. Tháng 11/2012, Lilama Hà Nội tổ chức hội nghị khách hàng và tuyên bố sẽ khởi công lại vào đầu tháng 1-2013, nhưng đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Hay mới đây, ngày 13/1 hàng trăm khách hàng đã vây kín trụ sở chủ đầu tư dự án Chung cư 83 Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để gây áp lực yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền khách hàng góp vốn mua căn hộ. Dự án Chung cư 83 Ngọc Hồi do Công ty CP Cơ khí Hưng Sơn làm chủ đầu tư và khởi công xây dựng từ đầu năm 2010. Dự án đã bị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ra quyết định xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất, đầu tư xây dựng và yêu cầu đình chỉ các hoạt động về sử dụng đất và đầu tư xây dựng trái pháp luật.

Nhiều khách hàng đóng tiền tới 80% giá trị căn hộ đang đứng trước nguy cơ "mất trắng" khi hiện nay dự án vẫn trong tình trạng đắp chiếu và chưa biết số phận sẽ đi về đâu.

Nhiều khách hàng mua nhà dự án chung cư Labonita (Quận Bình Thạnh, Tp. HCM) cũng đang "ngồi trên đống lửa" khi chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH BĐS Nam Thị lừa tiền khách hàng rồi âm thầm chuyển trụ sở từ số 81 Ưng Văn Khiêm, P25-Q. Bình Thạnh, TP.HCM đi nơi khác mà không hề báo cho khách hàng biết.

Công Ty TNHH BĐS Nam Thị cam kết sẽ giao nhà cho khách vào quý 4/2012. Tuy nhiên, sau khi thu 20% số tiền góp vốn của khách hàng tương đương gần 400 triệu, tới nay dự án vẫn đắp chiếu lâu ngày và không có dấu hiệu thi công. Vì vậy, nhiều khách hàng đã làm đơn rút vốn và Công ty Nam Thị cũng đã Đồng ý thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều tháng nay chủ đầu tư vẫn chây ỳ không trả lại tiền cho khách hàng.

Hàng trăm khách hàng đã đóng 60-70%, thậm chí là 100% giá trị căn hộ cho Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư dự án Usilk City cũng đang khẩn thiết kêu cứu. Khi nhắc đến Usilk City có lẽ ai cũng nhớ đến “chiêu” bán hàng cực “độc” tặng sàn thương mại của chủ đầu tư khi đã “dụ” được khoảng 200 khách hàng móc hầu bao của mình để nộp cho STL toàn bộ giá trị Hợp đồng mua bán căn hộ trong lúc các tòa mới đang xây dựng dở dang.

Trong 10 ngày khoảng từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2011, STL đã thu được khoản tiền lớn nhờ chiến dịch này. Đồng thời, ông chủ tịch cam kết thi công đúng và vượt tiến độ một số tòa nhà và sẽ bàn giao nhà vào khoảng cuối 2011 và đầu 2012. Vậy nhưng, các khách hàng Usilk City đến nay phải ăn “trái đắng” khi dự án chưa bàn giao tòa nhà nào, thậm chí còn dừng thi công ở một số tòa vì không đủ khả năng tài chính. 

Cuộc chiến phí chung cư vẫn dai dẳng

Những ngày sát tết, cư dân tại khu chung cư Saigon Pearl, cụ thể là khu Ruby, đang bức xúc trước những khoản phí “không công bằng, minh bạch” của chủ đầu tư (Vietnam Land – SSG). Saigon Pearl (92 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, Bình Thạnh, TP.HCM) được đánh giá là cụm khu chung cư cao cấp, có lẽ vì thế mà... các loại phí mà cư dân ở đây phải đóng cũng thuộc hàng... cao cấp?

Tuy nhiên, cách hành xử không minh bạch của SSG khi giá thu phí dịch vụ thực tế cao hơn nhiều so với giá niêm yết dịch vụ trong hợp đồng đã khiến hàng trăm cư dân ở đây bức xúc và quyết không đóng tiền. Và phản ứng của người dân khu Ruby đã có hiệu lực. Từ mức phí quản lý 17.000 đồng/m2/tháng, ngày 9/2012, ban quản trị đã giảm mức thu từ tháng 1/2013 giảm còn 13.500 đồng/m2/tháng; giảm phí xử lý nước thải từ 3.770 đồng/m3 còn 3.000 đồng/m3...

Tại chung cư Golden Westlake, hàng trăm cư dân tại đây đã tiếp tục phản đối phí đỗ xe sau khi chủ đầu tư áp phí đỗ ôtô 2,5 triệu đồng một tháng thay vì mức cũ 1 triệu đồng. Đỉnh điểm của vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư là vụ nhiều cư dân tại tòa nhà Golden Westlake đã bị chủ đầu tư chặn đường vào tầng hầm tối 24/1 khiến nhiều cư dân bức xúc đã đỗ xe kín khu vực cổng vào chung cư, gây tắc một đoạn đường.

Vụ lùm xùm về phí dịch vụ chung cư lớn nhất và dai dẳng nhất phải nói đến "cuộc chiến" tại tòa Keangnam Landmark Tower. Sau hơn 1 năm bền bỉ "phản đối" lại phí dịch vụ quá cao của chủ đầu tư, cư dân nơi đây đã được bù đắp phần nào khi Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam, Keangnam Landmark Tower, trong thời gian chưa giải quyết xong tranh chấp, phải tạm thu phí dịch vụ 4000 đồng, bằng giá trần quy định của Hà Nội.

Tuy nhiên, hiệnnay cư dân Keangnam vấn đang rơi vào tình trạng khó khăn khi chưa được chính quyền địa phương công nhận ban quản trị (BQT), nên không có đủ cơ sở pháp lý để ngồi vào bàn đàm phán với chủ đầu tư.

Thanh Ngà

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên