MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư 6.200 tỷ đồng mở rộng hầm đường bộ Hải Vân

Theo tính toán của Công ty cổ phần Đèo Cả, dự án mở rộng hầm Hải Vân sẽ thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe và bổ sung vào dự án hầm đường bộ Đèo Cả, đồng thời giao Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả thực hiện.

Theo phương án của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân sẽ mở rộng đường hầm lánh nạn (dài 6,2 km) thêm 3,5 m. Cùng đó, xây dựng đường dẫn phía bắc thuộc thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế (dài 2,1 km) và đường dẫn phía nam thuộc thành phố Đà Nẵng (dài 4,3 km).

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng với thời gian khởi công vào đầu năm 2016 và hoàn thành, đưa vào khai thác vào đầu năm 2019.

Hầm đèo Hải Vân được khởi công xây dựng từ năm 2000, đến ngày 7/11/2003 mới chính thức bấm nút phá vỡ bức tường đá cuối cùng chính thức thông tuyến toàn bộ công trình hầm xuyên đèo Hải Vân. Tuy nhiên, phải đến 5/6/2005, hầm Hải Vân mới chính thức được khánh thành.

Được biết Hầm đường bộ Hải Vân gồm 2 hệ thống: Hầm giao thông chính và hầm thoát hiểm. Hầm giao thông chính dài 6,28km, rộng 11,9m, cao 7,5m; Hầm thoát hiểm nằm về phía đông của đèo, rộng 4,7m, cao 3,8m, chạy song song và cách hầm chính 30m. Ngoài ra còn có hệ thống hầm thông gió và hầm lọc bụi tĩnh điện.

Hầm Hải Vân được xem là ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, ngoài chức năng là một tuyến đường giao thông, thì hầm đi vào hoạt động, cũng đồng nghĩa với việc con đường độc đạo quanh đèo Hải Vân cũ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Sau chục năm hoạt động, hiện tại, hầm Hải Vân đã quá tải với lưu lượng xe Bắc Nam ngày càng lớn, việc mở rộng hầm là điều tất yếu phải làm.

Thanh Mai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên