Dự án Cải tạo luồng sông Sài Gòn kêu gọi vốn đầu tư tư nhân
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ về dự án Cải tạo luồng sông Sài Gòn. Theo đó, nếu được thông qua, dự án sẽ là công trình hạ tầng đường thủy đầu tiên kêu gọi được vốn đầu tư tư nhân theo hình thức BOT.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án Cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) tới cảng Bến Súc (Bình Dương) sẽ bao gồm hai hạng mục chính: Nâng chiều cao thông thuyền tại cầu đường sắt Bình Lợi lên 4,5 m, đảm bảo cho các phương tiện thủy trọng tải lớn hơn 300 tấn lưu thông thuận tiện và cải tạo 62 km luồng sông Sài Gòn đạt luồng chuẩn cấp III.
Ước tính, tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 1.008 tỷ đồng, trong đó phần vốn BOT là 852 tỷ đồng phục vụ cho việc cải tạo cầu Bình Lợi và nạo vét, mở luồng và chỉnh trị đoạn sông Sài Gòn. Phần 156 tỷ đồng còn lại để phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ do ngân sách TP.HCM đảm trách.
Công trình dự kiến được khởi công vào quý IV/2014 và hoàn thành vào năm 2015.
Thống kê của Đoạn quản lý đường sông số 10 cho thấy, tại khu vực cầu Bình Lợi mỗi tháng có khoảng 300 tàu có trọng tải từ 301 - 500 tấn qua lại; số tàu có trọng tải từ 500 tấn trở lên là 581 tàu. Như vậy, trong vòng 1 năm, nhà đầu tư có thể thu được phí từ khoảng 6 triệu tấn tàu qua lại khu vực này - con số tương đối ấn tượng đối với lĩnh vực vận tải thủy.
Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, nhà đầu tư được phép thu phí luồng, lạch đối với các phương tiện thủy có trọng tải từ 300 tấn trở lên. Cụ thể, mức thu phí áp dụng sẽ vào khoảng 70 đồng/tấn trọng tải toàn phần/km.
Theo Thu Hiền