MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án đường sắt Cát Linh –Hà Đông đội vốn hơn 7.000 tỷ đồng: Bộ GTVT nói gì?

GPMB chậm, thi công chậm tới 2 năm, bổ sung nhiều hạng mục, thay đổi thiết kế...đó là những lý do mà Bộ GTVT đưa ra cho việc Dự án đường sắt Cát Linh -Hà Đông đội vốn 339 triệu USD.

Với lý do tổng thầu EPC của dự án đường sắt đô thị Cát Linh –Hà Đông (viết tắt Dự án) thiếu kinh nghiệm, cùng với đó là dự án bị chậm tiến độ mất 2 năm so với dự kiến ban đầu,…điều này dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án bị đội vốn lên hơn 339 triệu USD (khoảng hơn 7.000 tỷ đồng).

Và điều này cũng đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu làm rõ các nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm chễ GPMB, kéo dài thời gian thi công dẫn đến việc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 22/4, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản giải trình về việc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn so với phê duyệt ban đầu.

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân là do quá trình thực hiện, một số hạng mục phải bổ sung, điều chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng chậm...Mặc dù các cơ quan ban ngành vào cuộc quyết liệt nhưng đến nay công tác GPMB vẫn còn chậm, còn 3km/13km của tuyến đường, điều này dẫn đến đo đạc địa chất, khoan khảo sát lấy số liệu để lập thiết kế kỹ thuật không thể thực hiện.

Bên cạnh đó, việc thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng lên 3 tầng, và tính toán chi phí xây lắp nhà ga 3 tầng là 133,3 triệu USD tăng so với bước lập dự án  là 84,2 triệu USD (trong đó tăng do trượt giá 43,5 triệu USD, tăng do thay đổi quy mô 40,7 triệu USD); chi phí GPMB giảm 43,1 triệu USD; Bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot (chi phí cho việc xử lý nền đất yếu là 13,54 triệu USD); Bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6 (chi phí thêm )là 1,94 triệu USD.

Chi phí điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox tăng thêm 3,19 triệu USD, nhưng sẽ không phải đầu tư  2,48 triệu USD để xây dựng xưởng sơn.

Cũng theo Bộ GTVT, theo dự án đầu tư ban đầu, chí phí đào tạo chưa bao gồm chi phí ăn ở, đi lại của học viên. Do đó, Bộ GTVT đã xác định chi phí tối đa cho hạng mục này chỉ khoảng 5,00 triệu USD. Như vậy, chi phí cho việc bổ sung này tăng thêm 2,91 triệu USD.

Ngoài ra, công tác GPMB khu vực đường nhánh ra vào DEPOT không đáp ứng tiến độ ban đầu. Vì vậy không thể đúc và lao lắp dầm như phương án ban đầu. Nên đã thay đổi phương án thi công với khoảng 10,16 triệu USD. Các thay đổi chính về biến động giá, thay đổi chế độ, chính sách cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở nên dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 95 triệu USD. Chi phí xây lắp tăng dẫn đến chi phí thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại (cho phần vốn dự kiến vay thêm) cũng tăng theo dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 88,3 triệu USD.

Đây là những chi phí phát sinh tăng thêm do Bộ GTVT giải trình, điều này đã dẫn đến tổng mức đầu tư của Dự án đội vốn thêm 339 triệu USD

Theo Bộ GTVT, Dự án được Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 8.770 tỷ đồng tương đương 552,86 triệu USD (tính theo mặt bằng giá Quý I/2008). Về nguồn vốn bao gồm vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD, trong đó, vốn vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD, lãi suất 4,00%/năm, thời hạn 15 năm, ân hạn 5 năm; vốn vay tín dụng ưu đãi 1,2 tỷ NDT (tương đương 169 triệu USD) lãi suất 3%/năm, thời hạn 15 năm, ân hạn 5 năm và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 133,86 triệu USD.

Tháng 5 năm 2008, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định khung, và Trung Quốc đã đồng ý cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho Bộ Tài chính (Việt nam) vay 1,2 tỷ nhân dân tệ để giải quyết một phần vốn của Dự án do do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện…Và phía Việt Nam đã lựa chọn đơn vị này là Tổng thầu EPC. Hợp đồng EPC này có giá trị hơn 350,5 triệu USD, thời gian thực hiện 48 tháng.

Nhưng đến nay sau 51 tháng triển khai, tiến độ dự án vẫn còn chậm. GPMB còn 3km, công tác xây lắp mới đạt là 2.701 tỷ đồng tương đương 31.08% giá trị dự án. Đến nay đã giải ngân 3.400 tỷ đồng, tương đương 39% giá trị Dự án.

Để tháo gỡ những khó khăn trên. Bộ GTVT chỉ đạo Chủ đầu tư và Nhà thầu EPC hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật dự toán, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Viện Kinh tế Bộ Xây dựng. Tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2014. Rà soát tiến độ và lập lại tiến độ tổng thể chỉ đạo hoàn thành dự án vào năm 2015 và vận hành khai thác năm 2016.

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên