Giám sát đặc biệt dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông bị thêm vào danh sách các dự án chậm, phải giám sát thường xuyên.
- 06-04-2015Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Vốn đã phải điều chỉnh tăng thêm 250 triệu USD
- 06-01-2015Trước ngày 15/1 phải xong rà soát thay thế nhà thầu xây lắp 12 nhà ga Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông
Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cho biết, có 10/23 dự án bị chậm tiến độ cơ bản đã được tháo gỡ khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thiếu vốn kế hoạch ODA.
Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, danh sách dự án chậm có tất cả 14 dự án cần tiếp tục được đưa vào diện phải giám sát thường xuyên.
Về các dự án đường sắt đô thị, ngoại trừ tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên có cải thiện, còn lại 4/6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại 2 thành phố này đều bị chậm trễ nghiêm trọng.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, đây đều là những dự án đầu tư có quy mô và vốn đầu tư lớn, nên việc kéo dài thời gian thực hiện sẽ đẩy chi phí thực hiện dự án lên rất cao, giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí nguồn lực.
Việc đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc cho các dự án đường sắt đô thị hiện đang yêu cầu bức thiết.
Bộ cho biết, gần đây, ngày 16/7/2015, 4 ngân hàng phát triển (ADB, AFD, KFW và JICA) đã có công thư gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp cao đối với các dự án trên để đẩy nhanh tiến độ.
Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trong bối cảnh trở thành nước thu nhập trung bình, việc thu hút các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ ngày càng khó khăn.
Vì vậy, việc giải ngân, sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả tối đa là nhiệm vụ lớn mà mỗi bộ, ngành, địa phương phải tập trung, chú ý, Phó thủ tướng yêu cầu.
Trong vấn đề này, Bộ Kế hoạch và đầu tư làm đầu mối sẽ tổng hợp, báo cáo mỗi tháng một lần về tình hình và mức độ cải thiện của các cơ quan quản lý nguồn vốn, dự án này.
Đồng thời tiếp tục làm việc, kiểm điểm với từng dự án trong số dự án thuộc danh sách chậm trễ để xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn đã tồn tại hoặc phát sinh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều nơi khó bố trí vốn đối ứng, dẫn đến chậm trễ, không thực hiện đúng cam kết. Các bộ, ngành, địa phương phải xem xét thận trọng vấn đề này. Nếu vượt lên thì phải tự lo, không thể đẩy ngược lại cho trung ương.
BizLIVE