MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh nghiệm giá… tỷ đô

Tổng số vốn bị đội lên của cả hai dự án metro tại TP Hồ Chí Minh lên tới 2,106 tỷ USD. Vậy mà ông phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP chỉ nhẹ nhàng: Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc.

Trả lời báo chí về việc công trình xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) bị đội vốn 1,38 tỷ USD (từ 1,09 tỷ USD lên 2,47 tỷ USD), ông Lê Khắc Huỳnh, phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, nói rằng sở dĩ có sự đội vốn lên gấp hơn hai lần như vậy, là do chưa có kinh nghiệm, và “chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Nhưng chưa kịp “rút kinh nghiệm sâu sắc”, thì tuyến metro số 2 lại đội vốn thêm 726 triệu USD nữa (từ 1,374 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD). Tổng số vốn bị đội lên của cả hai dự án là 2,106 tỷ USD, tương đương với trên 45.000 tỷ VND.

Một số tiền khổng lồ, tương đương hơn 45.000 tỷ VND như vậy, mà chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc” là xong?

Nhẹ nhàng quá, nếu đặt bên cạnh trọng lượng của số tiền 2,106 tỷ USD đội vốn kia, đã là 21.060 kg rồi (theo chuẩn đo lường của Mỹ, cứ 100.000 USD có trọng lượng 1 kg).

Vấn đề là vì sao TP Hồ Chí Minh lại giao cho những người “chưa có kinh nghiệm” làm lãnh đạo ban quản lý một dự án lớn, có giá trị tỷ đô như vậy? Thành phố hết người rồi sao?

Chưa hết, còn chuyện nhà thầu đòi ban quản lý dự án đường sắt đô thị (cũng có nghĩa là đòi thành phố Hồ Chí Minh) phải bồi thường 2,5 tỷ VND một ngày nữa, lý do là ban quản lý dự án bàn giao mặt bằng thi công chậm.

Theo hợp đồng thì ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh phải bàn giao mặt bằng cho nhà thầu vào tháng 1/2013. Nhưng thực tế đến tháng 3/2015, mặt bằng mới được bàn giao, chậm 27 tháng, tương đương với 810 ngày.

Cứ lấy 810 ngày đó nhân với 2,5 tỷ một ngày, sẽ ra con số phải bồi thường là 2.025 tỷ VND, tương đương với gần 100 triệu USD?

Trả lời báo chí về việc này, cũng ông Lê Khắc Huỳnh nói rằng đó là “kịch bản ngoài dự tính”, và điệp khúc cũ lại được cất lên, hết sức nhẹ nhàng và êm tai, rằng “chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Xin thưa với ngài phó ban quản lý dự án rằng đó hoàn toàn không phải là “kịch bản ngoài dự tính” như lời ngài phân bua với công luận. Một hợp đồng xây dựng trị giá cả tỷ USD như vậy, chắc chắn nó phải hết sức chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.

Trong hợp đồng đó, chắc chắn có điều khoản nếu chậm bàn giao mặt bằng thì chủ đầu tư phải bồi thường cho nhà thầu. Chỉ có căn cứ vào điều khoản đó trong hợp đồng, thì nhà thầu mới đòi ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh bồi thường.

Về phần mình, thì chỉ sau khi đã lường hết mọi khả năng phát sinh trong quá trình GPMB, thì ban quản lý mới chấp nhận điều khoản bàn giao mặt bằng vào tháng 1/2013. Còn điều gì “ngoài dự tính” nữa, thế mà vì sao vẫn bị chậm?

Đã đặt bút ký vào hợp đồng rồi, thì việc chậm bàn giao mặt bằng tới 27 tháng hoàn toàn là lỗi của ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, với tư cách cơ quan thay mặt chủ đầu tư là UBND TP Hồ Chí Minh, và sau đó cũng là cơ quan thực hiện hợp đồng.

Con số 2,106 tỷ USD đội vốn kia là tiền ngân sách, cũng có nghĩa là tiền thuế của dân. Làm ăn thế, thì dân nào chịu nổi?

Theo VŨ HỮU SỰ

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên