MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Lật lại Hồ sơ Dự án]: Bước chậm thập kỷ của siêu Dự án Tây Hồ Tây

Sau một thập kỷ kể từ khi khởi động dự án đến nay, Tây Hồ Tây vẫn án binh bất động vì rắc rối trong khâu giải phóng mặt bằng.

Nổi tiếng với kinh doanh bất động sản từ năm 1996 khi khách sạn Daewoo Hotel đi vào hoạt động, Daewoo dần thâu tóm và triển khai thêm nhiều dự án khác, đặc biệt là siêu dự án Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, khi khủng hoảng tài chính lan rộng, Tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc gặp khó khăn về tài chính Daewoo đã bán Daewoo Hotel cho Hanel, thương vụ này có tổng giá trị 100 triệu USD, bên cạnh đó, 2 dự án lớn khác là Daewoo Cleve và Tây Hồ Tây cũng “lỡ nhịp” thị trường.

Bước khởi đầu tưởng như mơ

Khởi động từ năm 2004, khu đất vàng Tây Hồ Tây đã lọt vào tầm mắt của các “ông lớn” đến từ Hàn Quốc. Khi đó đã có nhiều cuộc họp bàn từ các Bộ, ban, ngành liên quan đến quy hoạch khu vực Tây Hồ Tây để phát triển một siêu đô thị hiện đại và lớn nhất Thủ đô, vùng quy hoạch lên tới 847ha, gồm rất nhiều dự án trong đó có cả Khu đô thị Ciputra và Tây Hồ Tây.

Năm 2006, một bước ngoặt lớn mà Tổ hợp chủ đầu tư là 5 công ty đến từ Hàn Quốc đã được cơ quan chức năng của Việt Nam trao Giấy chứng nhận đầu tư thành lập Công ty TNHH Phát triển T.H.T thực hiện dự án phát triển khu đô thị mới Tây Hồ Tây.

Lúc đó, siêu dự án Tây Hồ Tây rất được kỳ vọng sẽ được các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc gồm Daewoo Engineer&Construction Co.,Ltd, Daewon Co.,Ltd, Dong IL Highvill Co.,Ltd, Keangnam Enterprises, Ltd và Kolon Engineering&Construction Co., Ltd phát triển dự án theo đúng như kế hoạch, để đến 2014 hoàn thành.

Ban đầu Tây Hồ Tây được giới thiệu là khu đô thị có tổng diện tích trên 207ha, tổng mức đầu tư 314 triệu USD, khi hoàn thành cung cấp khoảng gần 5.000 căn hộ, biệt thự, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… đáp ứng nhu cầu cho khoảng 20.000 dân. Dự án được chia thành 2 giai đoạn phát triển với quy mô giai đoạn 1 là 117ha và giai đoạn 2 là 90ha.

Sau khi Chủ đầu tư lên kế hoạch giải phóng sau mặt bằng vào năm 2009 sẽ khởi công xây dựng vào năm 2010 để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long –Hà Nội.

Chủ đầu tư động thổ dự án từ cuối 2012 nhưng đến nay công trình vẫn chưa thể triển khai xây dựng

Rắc rối giải phóng mặt bằng

Thế nhưng, số phận dự án này lại không được như kỳ vọng của cơ quan hữu quan, cũng như phía nhà đầu tư trong giai đoạn đầu phát triển dự án đã gặp không ít biết động, đặc biệt từ cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, vấn đề giải tỏa mặt bằng.

Gần một thập kỷ qua, Dự án Tây Hồ Tây đã xảy ra rất nhiều biến động, giữa năm 2011 giới truyền thông trong nước đã đưa tin Tập đoàn Daewoo thâu tóm toàn bộ dự án này bằng việc mua lại cổ phần của 4 đối tác khác, và cam kết rót tiền triển khai dự án.

Ngày 15/1/2012, chủ đầu tư đã tổ chức Lễ động thổ dự án một cách rầm rộ và lấy tên dự án là StarLake, tưởng chừng như dự án đã “thoát” được khó khăn, bước vào giai đoạn phát triển mới. Bởi khi đó, chủ đầu tư cho biết dự án có tổng mức đầu tư lên tới 2,5 tỉ USD, và đã sẵn sàng chuẩn bị 200 triệu USD để triển khai dự án vào năm 2013.

Tuy nhiên, sau gần một năm trôi đi kể từ khi động thổ dự án, đến nay dự án vẫn “án binh bất động”, vẫn là bãi đất hoang, chưa đầu tư được hạ tầng cho dự án.

Mới đây, Công ty T.H.T đã có báo cáo về tiến độ dự án lên Thành Phố, theo giải trình của chủ đầu tư thì đến 7/2013 chủ đầu tư đã chuyển cho Trung tâm quỹ đất Thành phố 65 triệu USD để GPMB (Hợp đồng đã ký từ năm 2006), đủ nguồn tài chính GPMB dự án. Nhưng đến nay vẫn còn hơn 26ha “xôi đỗ” chưa giải phóng mặt bằng được, và T.H.T vẫn chưa nhận được một lô đất sạch nào.

Lãnh đạo Thành phố cũng đã vào cuộc vụ việc này và yêu cầu làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân dẫn đến dự án triển khai quá chậm. Theo kết luận của Chủ tịch Thành phố sau khi có cuộc họp liên quan đến dự án này, nguyên nhân khách quan là do điều chỉnh quy hoạch, chủ dự án xin lùi thời gian triển khai…nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu là do khâu tổ chức, thực hiện.

Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố chưa quyết liệt, không đeo bám giải quyết các vướng mắc của các sở, ngành, quận huyện; chưa thực hiện hết trách nhiệm đã cam kết khi thực hiện hợp đồng giải phóng mặt bằng với nhà đầu tư…

Về phía chủ đầu tư Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, T.H.T vẫn còn “bị động”, phối hợp chưa hiệu quả với chính quyền sở tại.

Trong buổi họp, Chủ tịch Thành phố yêu cầu Trung tâm quỹ đất phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện hợp đồng đã ký, chịu trách nhiệm kết quả GPMB dự án theo đúng quy định và tiến độ được giao (từ tháng 9-12/2013 phải giao hết mặt bằng sạch cho chủ đầu tư). Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết trình Thành phố duyệt trước 15/9/2013.

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên