Ngắm những công trình hoành tráng của TP HCM
TP HCM có nhiều nỗ lực giảm ùn tắc giao thông bằng cách đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu, đường.
Trong đó, đáng kể nhất là việc hoàn thành 6 cầu vượt bằng thép với tiến độ xây dựng thần tốc (gồm: cầu vượt thép Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, Lăng Cha Cả, Lý Thái Tổ - Ba Tháng Hai – Nguyễn Tri Phương, ngã tư Thủ Đức, vòng xoay Hàng Xanh và vòng xoay Cây Gõ); cầu Sài Gòn 2 hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng; cầu Bình Lợi – điểm sáng của tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng). Ngoài ra, một số dự án tuy nhỏ nhưng lại là mắt xích góp phần kết nối giao thông trong khu vực như cầu Đỏ, cầu Kinh Thanh Đa…
Mời bạn đọc cùng ngắm lại những công trình hoành tráng, góp phần thay đổi diện mạo của TP
Cầu vượt bằng thép tại giao lộ Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám có tổng mức đầu tư 246,6 tỉ đồng, dài 268,2m, rộng 9,5m, có 2 làn xe dành cho ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt
Dự án hoàn thành vượt tiến độ 1 tháng. Cây xanh xung quanh cầu vượt được “tưới tắm” bằng hệ thống tưới nước tự động. Đèn chiếu sáng trên cầu là đèn led, được gắn giữa trụ lan can trên cầu chứ không sử dụng hệ thống cột đèn truyền thống. Cầu vượt thép tại giao lộ Nguyễn Tri Phương – Ba Tháng Hai - Lý Thái Tổ (quận 10) cũng sử dụng hệ thống tương tự.
Nút giao Lăng Cha Cả nằm trên trục giao thông đặc biệt quan trọng, nối các huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và “gánh” phần lớn lượng xe từ phía cửa ngõ Tây Bắc vào trung tâm TP nên thường xuyên bị kẹt xe.
Vì vậy, việc đưa vào sử dụng cầu vượt thép tại nút giao này góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trên. Cầu vượt thép tại Lăng Cha Cả gồm có 1 làn ô tô và 1 làn xe máy, tổng mức đầu tư 121,9 tỷ đồng, hoàn thành vượt tiến độ 1,5 tháng.
Cầu vượt thép vòng xoay cây Gõ được khánh thành vào tháng 10-2013, góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía Tây của TP HCM.
Cầu có hình chữ Y với một nhánh vượt ở đường Hồng Bàng, một nhánh vượt trên đường Ba Tháng Hai.
Cầu vượt thép vòng xoay Hàng Xanh rộng 16 m, gồm 4 làn xe, tổng chiều dài 390 m (riêng phần cầu dài 220 m), tổng vốn đầu tư 183 tỷ đồng.
Ban đầu, cây cầu này chỉ dành cho xe buýt, ô tô dưới 9 chỗ lưu thông. Đến ngày 27-1-2014, xe 2 bánh lưu thông được chạy trên cầu vượt này nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông ở vòng xoay Hàng Xanh.
Cầu Sài Gòn 2 được khánh thành vào ngày 15-10-2013, tổng vốn đầu 1.495,5 tỷ đồng.
Sự ra đời của cầu Sài Gòn 2 góp phần giảm áp lực giao thông đè nặng lên cầu Sài Gòn hiện hữu, cũng như đồng bộ hóa hạ tầng giao thông cửa ngõ Đông Bắc TP HCM.
Tháng 9-2013, đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng) được thông xe giai đoạn 1, đoạn từ nút giao Bình Triệu (quận Thủ Đức) đến nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) dài 5 km. Đây là trục đường hướng tâm giữ vai trò quan trọng đối với giao thông TP. Việc hoàn thành tuyến đường không những kéo giảm ùn tắc giao thông hướng Tây Bắc mà còn phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực. Dự kiến, đến cuối năm 2014 toàn bộ tuyến đường sẽ được hoàn thành.
Điểm nhấn của tuyến đường này là cầu Bình Lợi. Các vòm thép Nielsen được vận chuyển từ Hàn Quốc qua. Với chiều cao 35m, rộng 28m, dài 150m, vòm Nielsen trên cầu Bình Lợi là kết cấu cầu vòm lớn nhất VN. Cầu này tiếp nhận khoảng 40% lưu lượng giao thông từ trung tâm TP qua sông Sài Gòn.