Nhà thu nhập thấp tại Hà Nội: Tránh “một người đứng tên nhiều căn”
Hà Nội cần có chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để “hậu kiểm” với các dự án và chủ đầu tư trong việc thực hiện trách nhiệm với người mua nhà và quy định của pháp luật.
Cam kết tiến độ, làm rõ năng lực
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay bên cạnh nhiều dự án nhà thu nhập thấp triển khai nhanh, mang lại uy tín với người mua vẫn còn nhiều chủ đầu tư mặc dù có đất sạch nhiều năm vẫn “đắp chiếu” dự án, chưa biết ngày nào khởi công gây lãng phí đất.
Điển hình là dự án xây dựng nhà thu nhập thấp tại khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án đã được giao đất sạch, được UBND thành phố chấp thuận đầu tư dự án ngày 13/6/2011 với tổng số 1.696 căn hộ, tương đương tổng diện tích sàn khoảng 133.299 m2. Đại diện HUD cho biết, đang làm điều chỉnh quy hoạch dự án nên chưa khởi công xây dựng.
Dự án nhà thu nhập thấp tại khu tái định cư Kiến Hưng do Liên danh Cty CP Bê tông & Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty CP Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư dậm chân tại chỗ do quy hoạch tuyến đường 3,5 điều chỉnh, hạ tầng của khu vực còn dở dang chưa đồng bộ.
Dự án nhà thu nhập thấp tại lô đất CT3, CT4 khu đô thị mới Kim Chung huyện Đông Anh do Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư có quy mô 9 tòa nhà với 1.528 căn hộ cũng đang gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Ngoài ra còn có khu đất 18,5 ha Bắc An Khánh đã có đất sạch hơn 7 năm qua vẫn để hoang cỏ mọc, rất lãng phí.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư phải báo cáo rõ nguyên nhân gây chậm triển khai, cam kết tiến độ khởi công và hoàn thành với UBND thành phố làm căn cứ kiểm tra giám sát và xử lý khi kéo dài dự án.
Ông Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng, KH&ĐT phải làm rõ năng lực của các chủ đầu tư để thu hồi lại đất, thay thế chủ đầu tư quá yếu đồng thời rà soát toàn bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật của các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
“Không để một người đứng tên nhiều căn”
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, chủ trương phát triển nhà xã hội qua thực tế đã được xã hội ghi nhận, góp phần quan trọng cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân đô thị, cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng kiến nghị UBND thành phố sớm có chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để “hậu kiểm” với các dự án và chủ đầu tư trong việc thực hiện trách nhiệm với người mua nhà và quy định của pháp luật.
Quá trình “hậu kiểm” kết hợp nắm bắt thực chất tiến độ dự án, kịp thời chấn chỉnh việc xét duyệt đối tượng mua nhà. “Chúng ta vừa phải khuyến khích nhà đầu tư, vừa phải kiểm soát được khâu sau đầu tư, xét duyệt đối tượng mua nhà, tránh tình trạng một người lại đứng tên nhiều căn nhà thu nhập thấp”, ông Tuấn nói.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu tất cả các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm việc gửi hồ sơ, danh sách người mua về Sở Xây dựng để kiểm soát về đối tượng và đưa lên website của Sở Xây dựng để người dân giám sát, công khai.
Hà Nội hiện có 34 dự án nhà ở xã hội với khoảng trên 2,81 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó có 6 dự án KTX sinh viên; 5 dự án nhà ở công nhân và 23 dự án nhà thu nhập thấp.
>>>Hà Nội: Giá nhà thu nhập thấp quá cao
Theo Minh Tuấn