MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những công trình “đội giá” tiền tỉ

Tại TP.HCM, do tiến độ thi công cầu, đường chậm dẫn đến phải điều chỉnh vốn đầu tư tăng hàng trăm tỉ đồng.

Ngoài ra, dự án thi công chậm càng làm cho nạn ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng, gây ngập lụt một số khu vực.

“Ì ạch” do giải tỏa chậm

Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng đường Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình và Q.Gò Vấp) dài 5,7km, dự kiến thi công vào năm 2005, hoàn thành năm 2007. Tuy nhiên, đến tháng 5-2013 Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư dự án) cho biết chỉ mới làm xong hai trong tổng số năm gói thầu (gói số 2 làm xong năm 2008 và gói số 3 làm xong năm 2010). Trong ba gói thầu còn lại, chỉ gói thầu số 3a đang thi công và dự kiến làm xong vào tháng 8 năm nay. Hai gói thầu còn lại (đoạn từ đường Trường Chinh đến kênh Hi Vọng và từ kênh Hi Vọng đến đường Huỳnh Văn Nghệ) chưa thi công do chưa giải tỏa mặt bằng.

Tương tự, dự án tỉnh lộ 10B (H.Bình Chánh và Q.Bình Tân) dài 5,8km, mở rộng đường từ hai làn xe lên sáu làn xe, dự kiến thi công vào năm 2007, làm xong vào năm 2009. Thế nhưng đến tháng 5-2013 Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết trong tổng số tám gói thầu chỉ có ba gói thầu làm xong, đưa vào sử dụng năm 2011. Trong năm gói thầu còn lại, chỉ một gói thầu mới cơ bản làm xong, ba gói thầu đang thi công và một gói thầu chưa thi công do vướng giải tỏa.

Dự án mở rộng tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân và H.Bình Chánh, là tuyến đường kết nối với dự án tỉnh lộ 10B) dài gần 8,2km, nối đến ranh tỉnh Long An cho bốn làn xe lưu thông. Theo kế hoạch làm xong vào năm 2008, nhưng đến nay công trình đã chậm năm năm vẫn còn thi công lai rai. Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (chủ đầu tư dự án) cho biết đã triển khai thi công 13/16 gói thầu xây lắp, trong đó đã làm xong bốn gói thầu và cơ bản làm xong bốn gói thầu khác. Trong số ba gói thầu chưa thi công, gói thầu số 1 do vướng giải tỏa nên đoạn đường dài 500m (từ H.Bình Chánh đến giáp ranh tỉnh Long An) chưa thi công mở rộng lên bốn làn.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo chủ đầu tư các dự án, tiến độ thi công chậm chủ yếu do giải phóng mặt bằng tại các địa phương thực hiện quá chậm. Mặc dù UBND TP đã chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng đường Phạm Văn Bạch trong năm nay nhưng dự án khó có thể hoàn thành trong thời gian này.

Ông Nguyễn Văn Toàn - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết do công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Q.Tân Bình quá chậm. Đến nay, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận vẫn chưa làm xong việc xác nhận nguồn gốc, pháp lý sử dụng đất của 114 hộ. Vì vậy có khả năng qua năm 2014 mới làm xong dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, trong năm 2012 và 2013, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã gửi nhiều văn bản báo cáo Sở GTVT TP để báo động tiến độ giải tỏa dự án cầu Kinh Thanh Đa quá chậm. Sau đó, Sở GTVT TP có văn bản báo cáo UBND TP và UBND TP đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa ở dự án này. Gần đây nhất, ngày 7-3-2013, UBND TP yêu cầu Q.Bình Thạnh bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 3-2013. Thế nhưng, đến tháng 5-2013 Q.Bình Thạnh mới bàn giao mặt bằng của 2/113 hộ nên công trình xây dựng cầu Kinh Thanh Đa vẫn ì ạch, chưa thể cho thông xe một nhánh cầu vào cuối tháng 6 này.

Trong khi đó, ngày 21-3-2013, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh có văn bản gửi Sở GTVT TP và Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 vẫn chưa làm thủ tục để Kho bạc Nhà nước chuyển về cho quận hơn 21,9 tỉ đồng. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh đề nghị Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 sớm làm thủ tục và Kho bạc TP nhanh chóng giải ngân 21,9 tỉ đồng trong tháng 3 và 82 tỉ đồng trong tháng 5-2013. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết khu chỉ làm thủ tục chuyển tiền cho những hồ sơ đầy đủ về mặt pháp lý.

Còn đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Tân thừa nhận tiến độ đền bù giải tỏa ở dự án tỉnh lộ 10 chậm (11 hộ chưa bàn giao mặt bằng là do quận đang đề nghị và TP còn chậm xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ cho một số trường hợp).

Có công trình “đội giá” gần 407 tỉ đồng

Công trình có vốn đầu tư “đội giá” cao nhất ở TP.HCM là dự án đường Phạm Văn Bạch. Tháng 6-2012, UBND TP điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 273,2 tỉ lên 680,3 tỉ đồng (thêm gần 407 tỉ đồng). Trong đó, vốn xây lắp tăng từ 66 tỉ lên 143 tỉ đồng, tiền đền bù giải tỏa từ 195,5 tỉ lên 463,2 tỉ đồng... Tương tự, tháng 7-2012 TP điều chỉnh vốn đầu tư dự án tỉnh lộ 10B từ 346,6 tỉ lên 551,7 tỉ đồng (đội giá hơn 205 tỉ đồng). Trong đó, vốn xây lắp tăng từ 213 tỉ lên 316,4 tỉ đồng, tiền đền bù giải tỏa từ 77 tỉ lên 159 tỉ đồng.

Theo Ngọc Ẩn


ngatt

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên