MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dự án BĐS dọc trục đường mới Nhật Tân –Nội Bài hiện giờ ra sao?

Hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ nằm dọc trục Nhật Tân -Nội Bài đang chờ kịch hoạt đầu tư, đây là khu vực có quỹ đất lớn có tiềm năng về thị trường bất động sản.

Cầu Nhật Tân và một số công trình giao thông khác có trị giá 27.000 tỷ đồng ở khu phía Bắc Hà Nội sắp thông xe, đưa vào hoạt động vào tháng 1/2015. Đây sẽ là điểm đáng chú ý về hạ tầng, cũng như tác động tới sự phát triển của các dự án ở khu vực này.

Nhằm quy hoạch và phát triển đồng bộ các dự án trải dài 12km dọc tuyến đường, tháng 8 năm 2014 Hà Nội đã duyệt phương án đầu tư khoảng gần 1 tỷ USD để phát triển đô thị hai bên đường. Quỹ đất dự tính chiếm tới 2.080ha, chủ yếu thuộc các xã Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Hải Bối, Xuân Canh, Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nguyên Khê, một phần nhỏ thuộc Sóc Sơn.

Phương án này dựa vào quy hoạch phân khu đã được duyệt gồm đô thị thương mại –nông nghiệp (N5-243,9ha); Đoạn 2: Đô thị quốc tế - ASEAN City (N7 - 371,1 ha); Đoạn 3: Đô thị biểu tượng - bên sông (N8 - 694,8 ha); Đô thị sinh thái - Đô thị nước (R - 224,1 ha).

Ghi chú: * màu nâu đỏ: đường Võ Chí Công
 * màu hồng: cầu Nhật Tân
             * màu đỏ: đường Võ Nguyên Giáp

 *màu đen: đường 5 kéo dài
Đường Võ Chí Công đã thông tuyến, bên giáp đường là dự án Ciputra mall

Đường Võ Nguyên Giáp ra sân bay Nội Bài
Qua tìm hiểu sơ bộ, chúng tôi nhận thấy dọc tuyến đường mới này hiện đang triển khai khoảng gần 10 dự án. Tuy nhiên, hiện chỉ có một vài dự án đã và đang triển khai xây dựng, số còn lại đang ở giai đoạn quy hoạch, lập dự án đầu tư.

Tây Hồ Tây –Điểm đầu tuyến, trung tâm Thủ đô nối với sân bay Nội Bài

Đây là “siêu” dự án với quy mô lớn trên 207ha, đã rục rịch triển khai được 7 năm nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua, cũng như việc điều chỉnh quy hoạch, vướng giải phóng mặt bằng đã khiến dự án chậm tiến độ. Cuối 2013, đầu 2014 dự án Tây Hồ Tây đã có một số động thái tái khởi động trở lại.

Trong đó, chủ đầu tư có ký kết hợp đồng tín dụng 200 triệu USD với ngân hàng phát triển KDB (Hàn Quốc), công bố việc điều chỉnh quy hoạch, công bố chính thức triển khai xây dựng dự án…Dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD, cuối 2013 chủ dự án này cho biết là đã đầu tư hơn 94 triệu USD để giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn chưa thể nhận được đất sạch để khởi công.

Trong hơn 1 năm qua, Hà Nội liên tục có văn bản đốc thúc các sở, ngành, địa phương và chủ dự án cần giải quyết vướng mắc, khó khăn và đẩy mạnh tiến độ, tuy nhiên đến nay “siêu” dự án Tây Hồ Tây vẫn còn ngổn ngang đất trống.

Ngoại Giao Đoàn: Ngổn ngang chung cư dở dang

Là dự án lớn của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) quy mô 62,8ha, trong đó khoảng 20ha là khu được quy hoạch là khu đoàn ngoại giao các nước, phần còn lại 13ha được để xây dựng 22 chung cư cao tầng, và 28ha xây dựng công trình hạ tầng xã hội.

Hiện tại, Ngoại Giao Đoàn mới có tòa chung cư N03 T8 dự kiến bàn giao vào cuối 2014, 2 tòa xây dựng đến tầng 4 và một số tòa xây dựng móng.

Nam Thăng Long-Ciputra

Năm 1995, UDIC đã ký kết hợp tác với tập đoàn Ciputra của Indonesia để tiến hành đầu tư dự án này. Khi đó quy mô dự án được lập quy hoạch hơn 394ha, với 50 tòa nhà cao tầng, 2.500 căn nhà thấp tầng, tổng vốn đầu tư 2,1 tỷ USD. Dự án được triển khai làm 3 giai đoạn, và bắt đầu khởi công từ 2002.

Trả lời trên báo Tiền Phong vào tháng 4/2013, lãnh đạo UDIC cho biết lần cuối dự án được điều chỉnh có quy mô 301,8ha, lúc đó Liên ngành các Sở Tài Chính, Thuế, Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu bổ sung 1.400 tỷ tiền sử dụng đất dự án này. Và tiền thuê đất trong 50 năm là 0,85USD/năm/m2 tương đương 128,3 triệu USD, số tiền này UDIC dùng làm tiền góp vốn 30% vào liên doanh chủ đầu tư dự án.

Lãnh đạo UDIC khi đó cho biết là đã trả tiền đền bù lên tới 200ha, đến hết năm 2012 thì Hà Nội đã bàn giao cho chủ đầu tư hơn 94ha đất.

Hiện nay dự án Ciputra vẫn đang xây dựng giai đoạn 3, dự án thành phần Ciputra Mall vẫn “án bình bất động” với các cọc móng chỏng chơ sắt thép heon gỉ.

Khu đất các dự án nhìn từ trên cao

Hàng loạt dự án được duyệt quy hoạch năm 2014

Bên cạnh những dự án lớn thuộc khu vực Phú Thượng, Xuân Đỉnh dọc đường Võ Chí Công lên cầu Nhật Tân đang được triển khai xây dựng, thì điều đáng chú ý bên kia cầu thuộc quỹ đất Đông Anh thì các dự án mới bắt đầu được duyệt quy hoạch chi tiết.

Có thể kể tới như Vân Trì Ecoland, nằm khu đầm Vân Trì, giáp phía Nam đường 23B và cách chân cầu Nhật Tân khoảng 5km. Quy mô 38ha, chủ đầu tư là liên danh Thăng Long Invest và Handico, thời gian thực hiện từ 2014 -2019; Khu nhà ở Dục Nội 17,3ha thuộc phân khu đô thị N7 của Công ty CP Đầu tư tài chính Thành Việt. Duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 3/2014.

Dự án Noble Vân Trì của Công ty TNHH Noble Việt Nam được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tháng 2/2014, thuộc phân khu đô thị N4. Quy mô khoảng 22,8ha, trong đó, có khoảng hơn 100 biệt thự.

Khu đô thị Tiên Dương: Được duyệt duy hoạch chi tiết 1/500 tháng 3/2014, thuộc phân khu đô thị N7 tại xã Tiên Dương, Đông Anh. Quy mô dự án lên tới 125ha, dân số dự kiến 15.500 người; Khu đô thị Uy Nỗ cũng được duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 3/2014 với quy mô 81ha thuộc thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh.

Phố Wall Hà Nội

Cũng liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị dọc tuyến đường này, tháng 2/2013 trên phương tiện thông tin đại chúng đã có thông tin, một tập đoàn của Dubai đang muốn triển khai dự án “khủng” ở khu vực Đông Anh với giá trị lên tới 30 tỷ USD.

Dự án có biệt danh “Phố Wall Hà Nội”. Được biết ý tưởng này do ông Abdullah Al Sayegh, chủ tịch tập đoàn Global Sphere đưa ra, giai đoạn đầu phát triển khoảng 10 tỷ USD. Dự án sẽ có khoảng 70 tòa chung cư với chiều cao khác nhau, dao động từ 40-70 tầng. Ở giữa các tòa chung cư này sẽ là một tòa tháp trung tâm cao 102 tầng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có thêm thông tin nào về dự án “khủng” này.

>>>Đất Đông Anh liệu “có biến”?

>>>3 công trình hạ tầng gần 27.000 tỷ làm thay đổi diện mạo phía Bắc Thủ đô

Gia Bảo

thuatvk

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên