MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nộp tiền 12 năm mà chưa được giao nền

Gần 200 cán bộ, chiến sĩ đóng tiền mua đất dự án từ 12 năm trước đến nay vẫn chưa nhận được nền.

Vợ chồng bà Trần Thị Loan, ở 351/15 Nguyễn Tất Thành, quận 4 đều là cán bộ chiến sĩ (CBCS) của Bộ đội biên phòng cảng TP.HCM (tạm gọi tắt là biên phòng cảng). Năm 2002, vợ chồng bà Loan vui mừng khi biết tin đơn vị đứng ra đại diện mua đất làm nhà ở cho anh em CBCS. Vay mượn khắp nơi, vợ chồng bà cũng gom được 40 triệu đồng để góp vốn mua nền đất đợt đầu tiên (đây là dự án CBCS cùng góp vốn để thực hiện).

Chỉ là khu đất bỏ hoang

Từ đó đến nay, gia đình bà Loan đã đóng tiếp tám đợt với tổng số tiền 230 triệu đồng nhưng vẫn chưa được giao nền nhà. Hiện vợ chồng bà và hai người con đã lập gia đình cùng các cháu sống chen chúc trong căn nhà 27 m2 .

“Chúng tôi cùng các đồng đội cũ nhiều lần kiến nghị đơn vị tổ chức cuộc họp cổ đông để thông báo tình hình đầu tư dự án và để biết khi nào mới được giao nền, đồng thời công khai, minh bạch tài chính nhưng đều rơi vào im lặng. Đã qua ba đời chỉ huy nhưng tiền chúng tôi đóng không biết dùng vào việc gì trong khi dự án đến nay chỉ là một bãi đất trống” - bà Loan nói. Đặc biệt, dù đã tám lần nộp tiền theo yêu cầu của đơn vị nhưng đến nay bà Loan vẫn chưa được biết tổng mức đầu tư dự án là bao nhiêu và còn phải đóng bao nhiêu tiền nữa mới được nhận nền.

Ông Phạm Quốc Uy, số 72 đường 45, phường Tân Quy, quận 7, trước đây từng phụ trách dự án (nay đã nghỉ hưu), cho biết số tiền Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng cảng TP đã thu của CBCS lên đến hơn 37 tỉ đồng. Trước đó, đơn vị ký hợp đồng san lấp và xây dựng cơ sở hạ tầng 66 tỉ đồng với nhà thầu. Đến nay đã chi hết 22 tỉ và dự án đã ngưng thi công một năm nay.

“Chúng tôi là cổ đông góp vốn nhưng không nhận được bất kỳ báo cáo tài chính nào, không biết thu chi ra sao, ai quyết… Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi kiến nghị triệu tập hội nghị cổ đông rất nhiều lần nhưng đều không được đáp ứng” - ông Uy bày tỏ.

Ông Uy cũng đã có đơn đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP làm rõ nhiều sai phạm của dự án như chưa có thiết kế cơ sở được thẩm định, phê duyệt đã lập bản vẽ thiết kế thi công. Trong đấu thầu không có hồ sơ mời thầu, không có kế hoạch đấu thầu, không có hồ sơ công nhận kết quả trúng thầu; chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đã ký hợp đồng thi công san lấp và xây dựng hạ tầng dự án…

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Thanh Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, cho biết Bộ chỉ huy đã cho thanh tra, xác minh các nội dung tố cáo của ông Phạm Quốc Uy. Văn bản kết luận kết quả xác minh nêu rõ: “Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng đã buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu nhà ở CBCS biên phòng cảng là có cơ sở”.

Đại tá Sơn khẳng định: “Cũng do không có chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện dự án nên ban chỉ huy đã có những sai phạm nêu trên. Để xảy ra những sai phạm này, trách nhiệm trước hết thuộc về ban quản lý dự án, mà trực tiếp là trưởng ban (khi đó là ông Lương Văn Hồng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cảng - nay đã nghỉ hưu). Ngoài ra, Ban Chỉ huy Biên phòng cảng cũng phải liên đới chịu trách nhiệm do thiếu kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của ban quản lý dự án”.

Chỉ đạo xử lý những sai phạm nêu trên, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP yêu cầu Ban Chỉ huy Biên phòng cảng tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trên. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và đề ra giải pháp khắc phục sai phạm. Đơn vị này cũng phải khẩn trương lập lại dự án theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Đồng thời đến cuối tháng 6-2014 phải lập ban quản lý dự án lâm thời để họp hội nghị cổ đông, bầu ra ban quản lý dự án mới. Qua đó, công khai tình hình triển khai thực hiện dự án hiện nay, thông báo rõ những sai phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và lấy ý kiến cổ đông về hướng xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án.

Liên quan đến số tiền lớn của các cổ đông đã chi, bộ chỉ huy yêu cầu biên phòng cảng (trong đó có cá nhân ông Lương Văn Hồng) phải hoàn chỉnh hồ sơ, thanh quyết toán và bổ sung đầy đủ các hóa đơn, chứng từ còn thiếu, cũng như các khoản ứng chi nhưng chưa có hóa đơn, chứng từ.

Nếu không bổ sung đầy đủ thì phải có trách nhiệm hoàn lại số tiền đã chi. Ngoài ra, thời điểm ông Hồng phụ trách dự án đã ký nhiều hợp đồng vô hiệu. Bộ chỉ huy yêu cầu đối với các hợp đồng đã ký mà không vi phạm pháp luật hoặc có vi phạm nhưng không bị vô hiệu, không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các thủ tục, giấy tờ nhà, đất về sau và không gây thiệt hại cho CBCS thì tiếp tục triển khai thực hiện. Nếu ngược lại thì sẽ chấm dứt hợp đồng. Hậu quả phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng nếu gây thiệt hại thì người ký hợp đồng phải chịu trách nhiệm.

>>> Khu Đông TP.HCM: Thiên đường hoang vắng
Theo VIỆT HOA

ngatt

Pháp Luật TP HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên