Nứt trụ cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội): Báo động an toàn công trình!
Theo hồ sơ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy, thì cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng thuộc tuyến vành đai 2 nằm trên địa bàn hai quận Hai Bà Trưng và Long Biên.
Vết nứt kéo dài từ mép đất lên dầm khoảng 20m
Theo phát hiện của phóng viên Báo điện tử Xây dựng thì vị trí nứt trụ cầu được xác định tại trụ số H22, và ký hiệu trong bản vẽ dự án thì đây chính là trụ T22. Từ trụ T22 đến trụ T37 thuộc gói thầu số 12, gói này có phần nhịp chính bắt đầu từ giữa nhịp 21 và kết thúc tại cuối nhịp 37 cùng với kết cấu nhịp đặt trên trụ trong đó bao gồm cả 1/2 nhịp 21. Gói thầu này do Tổng Cty xây dựng Thăng Long thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Viện khoa học và công nghệ giao thông vận tải (Bộ Giao thông) thực hiện.
Trụ T22 là trụ chính nằm ở vị trí giữa sông Hồng, vết nứt được xác định kéo dọc thân trụ từ mép đất lên trên phía dầm khoảng 20m, phía dưới vết nứt khoảng 1m có rêu và nước rỉ ra. Cũng trên trụ T22 đã xuất nhiều các vết nứt ngang khác, với chiều dài khoảng 3-4m.
Được biết, Ban quản lý Dự án Tả Ngạn (thuộc UBND TP Hà Nội) là chủ đầu tư xây dựng công trình, sau khi hoàn thành vào tháng 9/2009 và đưa vào sử dụng năm 2010 thì cầu Vĩnh Tuy được bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý.
Nước đã rỉ ra từ trong kết cấu thân trụ
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tuấn Tú, Trưởng phòng dự án 3, Ban quản lý Dự án Tả Ngạn cho biết: Đến nay chưa có thông tin gì về việc nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, ngoài ra sau khi đưa vào sử dụng và đã hết 24 tháng bảo hành cầu theo quy định nên đến nay cầu Vĩnh Tuy đã được bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội. Theo như phản ánh của phóng viên thì cũng chưa thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vết nứt, bởi việc xác định này cần phải có thiết bị, và khả năng vết nứt không phải do chịu lực.
Được biết, theo thiết kế toàn bộ kết cấu thân của mố, trụ đều bằng bê tông và bê tông cốt thép. Các trụ T22 đến T24 đỡ dầm liên tục 135m, kiểu trụ một cột thân thẳng, thân trụ được khoét rỗng, các bệ móng được giật cấp để phù hợp với sơ đồ làm việc và giảm vật liệu cho kết cấu. Theo tài liệu thiết kế dự án thì, trừ toàn bộ thân các trụ đỡ nhịp chính T22, T23, T24 được khoét rỗng, sử dụng bê tông mác 40Mpa, các hạng mục còn lại của các trụ trên và toàn bộ kết cấu của các trụ còn lại đều sử dụng bê tông 35Mpa.
Theo nhận định của một chuyên gia xây dựng mà phóng viên mời đi theo kiểm tra thực tế vết nứt tại trụ chính T22 cho biết: Đây là một vết nứt có thể xác định là nguy hiểm, bởi vị trí, cũng như chiều dài vết nứt lớn. Kéo theo đó là có hiện tượng rỉ nước từ trong kết cấu ra phía ngoài, điều này tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các tác nhân xâm thực vào bêtông và tiếp cận cốt thép hay các thành phần của cấu trúc xây dựng và dẫn đến huỷ hoại cấu trúc công trình.
Trụ T22 là một trong những trụ chính quan trọng của cầu Vĩnh Tuy
Mặc dù là cơ quan quản lý cây cầu nhưng sự “tắc trách” của Sở GTVT Hà Nội đã thể hiện ngay từ khâu tiếp nhận thông tin. Liên hệ làm việc với ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thì ông cho biết theo quy định của cơ quan phóng viên phải gửi câu hỏi qua email, sau đó chúng tôi sẽ có thông tin phản hồi. Liên hệ với ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc GTVT Hà Nội thì ông này cho hay, ông không phải là người phụ trách việc này, anh muốn biết thì đến văn phòng mà tìm hiểu (?).
Sau nhiều lần đến liên hệ công tác, phóng viên phải nhắn tin cho ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thì chiều tối ngày 18/2 phóng viên mới nhận được thông báo của ông Vũ Hà, Chánh văn phòng Sở GTVT Hà Nội về việc ngày 19/2 Sở GTVT sẽ thành lập một tổ kiểm tra vết nứt trên và cố gắng sẽ có kết quả trước ngày 20/2 để trả lời Báo Xây dựng.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả trên những số báo tiếp theo.
Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường hai đầu cầu khoảng 5800m, trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng là 3700m. Tổng Cty xây dựng Thăng Long được UBND thành phố Hà Nội chỉ định thi công gói thầu số 12 có chiều dài tổng cộng 946.8m, tổng giá trị hợp đồng là 302 tỷ đồng, trải dài từ trụ T22 đến T38, bao gồm 3 nhịp cầu chính là dầm hộp đúc hẫng khẩu độ 135m và 13 nhịp cầu dẫn. Phần móng của các trụ cầu được đặt trên từ 20-24 cọc khoan nhồi đường kính D=2m, sâu trung bình 50m tới tầng cuội sỏi. Phần cầu dẫn từ trụ T25 đến T38 là 13 nhịp dầm SupperT, chiều dài 40m/nhịp. |
Theo Vũ Chiến – Thành Luân