MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số phận một sân golf

Những ngày này, việc phá hủy sân golf Phan Thiết để xây dựng thành khu đô thị đang gây xôn xao dư luận tại tỉnh Bình Thuận. Ngay trong giới quan chức cũng chia thành hai phe chống và ủng hộ.

Sân golf Phan Thiết nằm ngay ngã tư hai con đường đẹp nhất TP này là đại lộ Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng, sát bãi biển Đồi Dương - bãi tắm công cộng lớn nhất Phan Thiết, được xem là “khu đất vàng” của TP với giá đất cao ngất ngưởng.

Lịch sử một sân golf

"Sân golf Phan Thiết được chúng tôi mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài với giá 20 triệu USD. Không ai để sân golf trong khu đô thị bao giờ. Có lợi doanh nghiệp mới làm, một sản phẩm lỗ thì không ai mua làm gì. Bạn bè tôi nói thường thì doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm dự án Việt nhưng đây là trường hợp ngược lại"


Ông Nguyễn Văn Đông (chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông)

Đầu những năm 1990, một vùng đất rộng 62ha tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) được giải tỏa để lấy đất phục vụ công trình thể dục thể thao.

Nhiều người dân lúc đó không chịu bỏ mảnh đất gia đình mình đã canh tác từ nhiều đời, nhưng chính quyền địa phương đã vận động họ ra đi với hứa hẹn tại đây sẽ mọc lên một công trình thể thao phục vụ cộng đồng.

Nhiều người còn nhắc lại chuyện chính quyền tỉnh đem lợi ích của việc đầu tư nước ngoài để động viên dân chúng, đại ý rằng: “Nếu ai muốn ăn phở thì hãy ra đi, còn ai tình nguyện ăn rau muống suốt đời thì ở lại”.

Theo ông Nguyễn Văn Thu - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ngày ấy tỉnh còn rất nghèo và sân golf Phan Thiết là công trình đầu tư nước ngoài đầu tiên của tỉnh.

“Khi người đánh golf tới lui thì Bình Thuận sẽ được giới thiệu thêm với nhiều nhà đầu tư, kinh tế tỉnh nhà sẽ phát triển. Nhiều người dân không đồng ý giải tỏa nhưng nghĩ đất này sẽ xây dựng công trình thể thao, có lợi chung cho tỉnh nhà nên sau đó chấp nhận” - ông Thu nói.

Nhà đầu tư khi đó là tỉ phú người Mỹ Larry Hillblom. Ông thuê mảnh đất này để làm dự án sân golf Ocean Dunes Golf Club (còn gọi là sân golf Phan Thiết).

Dự án này được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch - đầu tư) cấp giấy phép đầu tư từ năm 1993. Tổng diện tích sân golf và các công trình kèm theo là 620.656m2, thời hạn sử dụng đất 50 năm (đến tháng 12-2044), hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.

Sau khi tỉ phú Mỹ Larry Hillblom qua đời trong một tai nạn máy bay, sân golf được bán lại hai lần cho hai chủ đầu tư nước ngoài khác.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Thuận, mặc dù có sự xáo trộn của các nhà đầu tư nhưng tư cách pháp nhân của sân golf Phan Thiết từ trước đến nay vẫn là của Công ty Regent International (Hong Kong), rồi đến Công ty cổ phần Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông), một đại gia trong lĩnh vực giao thông và xây dựng sở hữu nhiều bất động sản lớn ở Bình Thuận, mua lại vào tháng 11-2013.

Tình thế đã rồi

Có thể kéo nhau ra tòa


Một số thành viên chơi golf tại sân golf Phan Thiết cho rằng đây là một trong những sân golf đẹp nhất châu Á, được thiết kế xây dựng với đẳng cấp thế giới. Do vậy việc phá bỏ sân golf làm khu đô thị là điều rất đáng tiếc.


Có một sân golf trong nội thành là điều mơ ước của các TP du lịch vì nó vừa thu hút khách vừa tạo khoảng không gian xanh cho đô thị. “Còn phương án chuyển người chơi golf sang sân golf Sea Links của Rạng Đông thì chúng tôi không đồng ý vì sân này do trong nước làm. Chúng tôi đang nhờ luật sư để giải quyết vấn đề này” -  họ nói.


Ông Nguyễn Văn Đông cho rằng khi chuyển sang sân Sea Links thì phía công ty vẫn đảm bảo điều kiện chơi như tại sân golf Phan Thiết. Còn nếu thành viên không chấp nhận thì công ty sẽ giải quyết theo thỏa thuận hoặc giải quyết tại tòa.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khi mua lại sân golf Phan Thiết vào ngày 15-11-2013, thì chỉ nửa tháng sau vào ngày 2-12-2013, Rạng Đông đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Bình Thuận để xin chuyển đổi sân golf Phan Thiết làm khu đô thị.

Và cũng rất nhanh chóng sau đó, vào ngày 4-3-2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Kế hoạch - đầu tư báo cáo xem xét, cho ý kiến về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân golf sang đất ở đô thị.

Tại cuộc họp này, 27/27 đại biểu của chính quyền tỉnh đều thống nhất chủ trương chuyển đổi. Sáng 5-3, UBND tỉnh Bình Thuận chính thức ra kết luận thống nhất chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án Ocean Dunes Golf Club (sân golf Phan Thiết) sang đất ở đô thị.

Mặc dù kế hoạch chuyển đổi sân golf thành khu đô thị còn đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng các golf thủ chơi tại sân golf Phan Thiết đã được Công ty Rạng Đông thông báo sẽ chuyển sang chơi tại sân golf Sea Links (cũng thuộc Tập đoàn Rạng Đông), bởi sân golf Phan Thiết được thông báo đóng cửa vào đầu tháng 4-2014.

Lý giải của UBND tỉnh Bình Thuận dựa theo báo cáo của Công ty Rạng Đông như sau: hoạt động của sân golf Phan Thiết không hiệu quả, luôn bị thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí khi đi vào hoạt động gần 20 năm nay. Báo cáo của Cục Thuế trong mười năm trở lại đây (tính từ năm 2004) cho thấy tổng lỗ là 115 tỉ đồng.

UBND tỉnh cho rằng việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị nhằm tạo điều kiện cho TP Phan Thiết chỉnh trang đô thị xứng tầm với TP du lịch trong tương lai và quan trọng nhất là Rạng Đông hứa rằng UBND tỉnh sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách từ việc đô thị hóa sân golf Phan Thiết là 1.000 tỉ đồng.

Trong văn bản xin chuyển đổi của Tập đoàn Rạng Đông, quy mô của khu đô thị trên 62ha này gồm có biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng; các công trình công cộng và hạ tầng khác như hệ thống điện, cấp thoát nước, đường giao thông, công viên cây xanh, nhà trẻ...

Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông Nguyễn Văn Đông nói: “Khu đô thị chúng tôi xây dựng chắc chắn sẽ đẹp hơn Phú Mỹ Hưng”.

Khách sạn 4 sao trong sân golf - Ảnh: Ng.Nam

Nên làm công viên

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết làm khu đô thị vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng nên giữ lại sân golf để làm du lịch hoặc lấy khu đất này làm công viên, tạo sinh cảnh đô thị lâu dài, có ích cho một TP du lịch như Phan Thiết.

Trước khi UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất ý kiến phá bỏ sân golf Phan Thiết, lãnh đạo một sở đã kiến nghị với Sở Kế hoạch - đầu tư rằng theo quy hoạch tổng thể không gian phát triển đô thị của Phan Thiết sẽ về hướng bắc đến năm 2020, quỹ đất của các khu vực này còn rất nhiều, không nên đô thị hóa nội thành vì mật độ dân cư đã quá cao.

Sắp tới có đường cao tốc, sân bay thì sân golf Phan Thiết với tiêu chuẩn quốc tế sẽ là điểm sáng có nhiều lợi thế cạnh tranh trong hoạt động du lịch và thể thao của Bình Thuận.

Ông Đinh Trung, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết do có nhiều ý kiến về dự án trên giữa những người lãnh đạo cũ và lãnh đạo tỉnh hiện nay nên một số lãnh đạo cũ đã đề nghị có cuộc họp nhằm thảo luận về vấn đề này. “UBND tỉnh đã đồng ý và cuộc họp sẽ diễn ra trong thời gian tới” - ông Trung nói.

Ông Nguyễn Văn Thu cho rằng ngoài vị trí “khu đất vàng”, sân golf còn được xem như “lỗ mũi” của TP Phan Thiết. Nếu UBND tỉnh giữ lại sân golf và chuyển sang làm công viên thì về lâu dài sẽ có lợi cho việc phát triển du lịch của Phan Thiết, lợi hơn nhiều từ việc thu thuế chuyển đổi 1.000 tỉ đồng trước mắt.

“Phan Thiết là TP du lịch nhưng chưa có công viên nào xứng tầm. Người dân chủ yếu giải trí vui chơi ở các quán cà phê, quán nhậu. Vậy tại sao không làm công viên mà nhất thiết phải làm khu đô thị, trong khi các dự án bất động sản tại TP Phan Thiết hiện có khá nhiều nhưng thiếu người ở” - ông Thu nói.

Theo tính toán của một vị nguyên là lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2004-2011, khoản tiền 20 triệu USD mà Rạng Đông mua lại 62ha đất sân golf tương đương khoảng 400 tỉ đồng.

Công ty đóng 1.000 tỉ đồng để chuyển đổi, nếu để lại 40% diện tích cho Nhà nước thì cũng còn được khoảng 37ha. Trong khi giá đất tại khu vực trung tâm này từ 13-20 triệu đồng/m2 thì công ty thu về số lợi nhuận khổng lồ.

“Dù biết doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận mới làm, tuy nhiên việc doanh nghiệp mới mua lại dự án đã xin chuyển ngay làm đô thị và được UBND tỉnh thống nhất chóng vánh như vậy thì người dân sẽ nghĩ có vấn đề “nhóm lợi ích” ở đây” - vị này cho biết.

Cuộc đời đào hoa và bí ẩn của tỉ phú Larry


Năm 1993, tỉ phú người Mỹ Larry Hillblom mua lại khách sạn Vĩnh Thủy của chính quyền tỉnh Bình Thuận và nâng cấp thành khách sạn 4 sao Novotel (hiện đổi tên thành Du Parc) Phan Thiết. Ông còn đầu tư xây sân golf Phan Thiết với đẳng cấp thế giới bao quanh khách sạn này.


Khi làm ăn tại Phan Thiết, vị tỉ phú gặp “tiếng sét ái tình” với nữ phục vụ phòng Nguyễn Thị Bé (ngụ huyện Hàm Tân) và cô Bé đã sinh cho ông một cậu con trai vào năm 1994 mang tên Nguyễn Bé Lorry.


Năm 1995, tỉ phú Larry Hillblom qua đời trong một tai nạn máy bay bí ẩn, để lại phần lớn tài sản của mình cho hoạt động nghiên cứu y học. Nguyễn Bé Lorry cùng với ba người con rơi khác của tỉ phú Larry được hưởng một phần tài sản khổng lồ của cha sau khi trải qua một hành trình xét nghiệm ADN và bảo vệ của các luật sư. Hiện nay hai mẹ con bà Nguyễn Thị Bé và Nguyễn Bé Lorry đang định cư tại Mỹ.


Theo NGUYỄN NAM

ngatt

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên