MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu vốn, hầu hết các dự án nhà ở cho thuê tại Hà Nội bị chậm

Hầu hết các dự án đầu xây dựng nhà ở cho sinh viên, cho công nhân thuê đều bị chậm tiến độ, nhiều dự án phải tạm dừng triển khai vì thiếu vốn.

Ngày 30/7, tại cuộc họp rà soát, kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương, đầu tư dự án (trừ các dự án đã đưa vào sử dụng), Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 34 dự án (với khoảng 2.816.798m2 sàn) đang triển khai nhưng chưa hoàn thành toàn bộ dự án để đưa vào sử dụng.

Cụ thể, trong số 34 dự án nhà ở xã hội của thành phố có 6 dự án đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên, dự kiến giải quyết chỗ ở cho khoảng 39.866 sinh viên; 5 dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, với khoảng 314.374 m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho 25.304 công nhân; 23 dự án nhà ở thu nhập thấp (kể cả các dự án nhà ở xã hội được chuyển đổi từ nhà ở thương mại) với khoảng 2.133.431m2 sàn xây dựng, tương đương 21.412 căn hộ.

Theo Sở Xây dựng, hiện cả 6 dự án xây dựng nhà ở sinh viên đều chậm tiến độ do thiếu vốn đầu tư và điều chỉnh dự án.

Hiện dự án khu ký túc xá tập trung tại Mỹ Đình II đang thiếu hơn 78 tỷ đồng giá trị khối lượng xây lắp đã được phê duyệt, phải bố trí nguồn vốn từ ngân sách để quyết toán hoàn thành công trình, sớm đưa vào sử dụng; số vốn thiết bị đồ rời (bàn ghế, giường, tủ...) khoảng 31,6 tỷ đồng đang bổ sung theo phương thức xã hội hóa.

Dự án khu tập trung Pháp Vân-Tứ Hiệp cũng “kêu” thiếu tới gần 700 tỷ đồng để hoàn thiện 5 khối nhà.

Các dự án tại Trường Đại học Lâm nghiệp cũng thiếu khoảng 60 tỷ đồng để hoàn thiện và đang xin điều chỉnh dự án sử dụng nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;Trường Đại học Điện lực (cơ sở II tại Sóc Sơn) thiếu khoảng 111,22 tỷ đồng; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang tạm dừng dự án vì thiếu vốn (khoảng 23 tỷ đồng); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thiếu khoảng 33,64 tỷ đồng để hoàn thành dự án.

Về nhà ở cho công nhân, thành phố có 5 dự án đầu tư, đến nay dự án thí điểm tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên dự án còn thiếu các hạ tầng xã hội và hiện trống 2.700 chỗ không có công nhân thuê ở, gây lãng phí, xuống cấp.

Dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã hoàn thành 1/10 tòa nhà và đã đưa vào sử dụng, chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai các tòa nhà còn lại nhưng gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư. Hay tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân tại Lô NOI, Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và tìm kiếm nguồn vốn dài hạn để tháng 5/2015 bắt đầu xây dựng thêm một tòa nhà nữa.

Dự án xây dựng 3 tòa nhà chung cư (9-12 tầng) tại ô đất CT5 thuộc khu đô thị mới Kim Chung do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư cũng đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thiếu vốn thực hiện dự án; đề nghị doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp hỗ trợ công nhân cải thiện nhà ở.

Dự án xây dựng nhà ở cho công nhân tại Cụm công nghiệp Nam Phú Xuyên đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tiến hành giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng khu ở cụm công nghiệp.

Đối với 23 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, Sở Xây dựng cho biết, các chủ đầu tư đang tích cực triển khai thực hiện, một số dự án đang hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị đầu tư.

Đa số chủ đầu tư các dự án nhà ở thu nhập thấp đều cam kết hoàn thành đúng tiến độ đề ra, tuy nhiên vẫn có một số dự án triển khai quá chậm, đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Thanh Lâm, Đại Thịnh do HUD làm chủ đầu tư (hiện dự án mới giải phóng mặt bằng xong, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn lại, chưa khởi công công trình); dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại ô đất CT3, CT4 khu đô thị mới Kim Chung (Đông Anh) do Hadinco làm chủ đầu tư cũng vướng mắc về giải phóng mặt bằng; dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại ô đất N07-1 và N07-2 (quỹ nhà 50%) thuộc khu đô thị mới Sài Đồng do Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư chậm triển khai hơn 2 năm và vẫn đang thực hiện thủ tục xin cấp phép quy hoạch.

Trước những khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là tình trạng thiếu vốn đầu tư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất báo cáo thành phố giải pháp bố trí phần vốn còn thiếu và cho phép điều chỉnh dự án; đồng thời khẩn trương xem xét, phê duyệt giá cho sinh viên thuê tại 02 dự án khu ký túc xá tập trung để trong tháng 8 năm nay có thể đưa sinh viên vào ở.

Thành phố cũng giao Sở Xây dựng và Tài chính bàn bạc, thống nhất với các bộ, ngành chủ quản của các trường học, các chủ đầu tư xây dựng mô hình, cách quản lý sao cho hiệu quả, phù hợp.

Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Sở Xây dựng làm việc cụ thể với Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất xác định nhu cầu thực tế của công nhân để có hướng giải quyết, đầu tư xây dựng.

Thành phố đặc biệt lưu ý các chủ đầu tư, đơn vị quản lý cần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, đảm bảo chỗ ăn ở, sinh hoạt thuận tiện cho công nhân lao động và học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, thành phố kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

Đối với 23 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư tập trung nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm để đảm bảo thực hiện theo đúng tiến độ cam kết, tránh gây lãng phí, đồng thời tranh thủ thời gian để nhân dân được thụ hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước và thành phố.

>>> Sắp có nhà ở xã hội cho thuê khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng
Theo Minh Nghĩa

ngatt

TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên