MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tòa án Hàn Quốc cho phép Keangnam bán Hanoi Landmark Tower

Tòa án Seoul vừa chấp thuận cho Keangnam Enterprise bán tòa nhà cao nhất Việt Nam để giải quyết vấn đề thanh khoản.

Hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 27/5 đưa tin Tòa án Seoul vừa chấp thuận cho Tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises Inc. được bán tòa nhà cao nhất Việt Nam Hanoi Landmark Tower thuộc sở hữu của công ty Keangnam Vina Ltd, một công ty con của Keangnam Enterprises Inc., tại Hà Nội để ứng phó với cuộc khủng hoảng thanh khoản hiện nay của tập đoàn này.

Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower là toà nhà cao nhất Việt Nam nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội. Toà nhà có 72 tầng và có diện tích sử dụng 610.000 m2. Theo báo chí Hàn Quốc, công ty Keangnam đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng toà nhà này.

Thông tin rao bán tòa nhà Keangnam Hà Nội đã xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc từ cuối tháng 4, sau hàng loạt bê bối tại công ty xây dựng Keangnam Enterprises như lập quỹ đen, đưa hối lộ và Chủ tịch Sung Wan-jong tự tử. Theo định giá của tòa án Hàn Quốc, tòa nhà và khối để có thể được bán với giá khoảng 800 triệu USD.

Được biết, khi có thông tin từ báo chí Hàn Quốc về việc Keangnam Landmark Tower được rao bán với giá gần 800 triệu USD, cộng đồng dân cư sinh sống tại đây đã tỏ ra vô cùng lo lắng vì giữa họ và chủ đầu tư vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc chưa thể giải quyết.

Một trong số đó là việc Keangnam có nguy cơ phá sản và mất khả năng thanh toán quỹ bảo trì 2% lên tới hơn 160 tỷ đồng. Trước nguy cơ này, ngày 8/5, Ban Quản trị Nhà Chung cư Keangnam đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính Phủ “kêu cứu.”

Đến ngày 25/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về kinh phí bảo trì tại chung cư Keangnam Hanoi Landmark Tower .

Tìm hiểu về thông tin khoản phí bảo trì 2% của cư dân Keangnam đã đóng cho chủ đầu tư, chúng tôi được biết, năm 2010, hơn 900 căn hộ tại 2 tòa nhà Keangnam Hà Nội đã được bán hết. Theo luật định, chủ đầu tư phải trích lập 2% tổng trị giá các căn hộ tại đây để sử dụng làm phí bảo trì tòa nhà.

Cũng theo qui định trên, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển lại khoản tiền này cho người dân ngay khi thành lập ban quản trị tòa nhà. Tuy nhiên thì đến thời điểm hiện tại, tức là 3 năm sau khi có ban quản trị, số tiền bảo trì của chung cư này vẫn chưa được chuyển giao.

Điều đáng nói là sự mập mờ của chủ đầu tư về khoản tiền này. Mỗi lần, chủ đầu tư lại công bố một con số khác nhau. Phải đến tháng 3 vừa qua, chủ đầu tư mới công nhận bằng văn bản là đang sở hữu số tiền 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cư dân Keangnam thì số tiền phí bảo trì còn lớn hơn nhiều, lên đến 160 tỷ đồng.

 

 

Lan Nhi

Yonhap

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên