Tổng giám đốc FLC: “Khát khao là văn hóa, tốc độ là kim chỉ nam”
Trước khi về FLC, bà Hương Trần Kiều Dung từng đại diện cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia tiến hành thủ tục triển khai các dự án đầu tư ở Việt Nam, cũng như đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các công ty và tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
- 23-09-2015Xây Khu công nghiệp FLC Hoàng Long vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng
- 15-09-2015Ngày 22/9, chính thức khởi công khu công nghiệp “kiểu mẫu” FLC Hoàng Long
- 07-09-2015FLC chi gần 50 tỷ đồng vào Bóng đá
Mới nhậm chức Tổng giám đốc Tập đoàn FLC chưa được nửa năm, với cách thức quản trị linh hoạt, mềm dẻo mà nữ doanh nhân này đã từng áp dụng tại các công ty đa quốc gia, FLC đang ngày càng đi đúng lộ trình.
“FLC chọn tôi và tôi chọn FLC”
Được biết bà là một tiến sỹ luật học tốt nghiệp tại Pháp và đã từng làm việc tại các tổ chức quốc tế, tại sao bà lại chọn một doanh nghiệp trong nước, lại là một doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển như FLC?
Phải nói thế này, FLC chọn tôi và tôi chọn FLC. FLC có những định hướng phát triển và văn hóa tương đồng với kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm quản trị của tôi.
Có một điểm chung giữa tôi và Tập đoàn FLC cũng như nhiều người trong Ban lãnh đạo Tập đoàn, đó là cùng được đào tạo chuyên sâu và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực luật. FLC có xuất phát điểm là một hãng luật và là đơn vị tư vấn pháp lý hàng đầu về đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Chúng tôi thấu hiểu môi trường pháp lý của Việt Nam, đồng thời, qua công việc tư vấn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, chúng tôi học được cách nhìn nhận và nắm bắt cơ hội. Từ đó chúng tôi đặt câu hỏi, mình là người nắm rõ thị trường như vậy thì tại sao không tham gia trực tiếp? Và FLC đã quyết định định hướng chiến lược trở thành một tập đoàn đầu tư, kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Về vai trò của kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực luật đối với thành công của FLC, bà có thể nói cụ thể hơn?
Nhờ nắm chắc hệ thống văn bản pháp lý, FLC có thể dự báo được các thay đổi về cơ chế, chính sách, từ đó nắm bắt được các cơ hội đầu tư, kinh doanh, hạn chế tối đa các rủi ro pháp lý.
Có thể nói, đây là một trong những nhân tố đã góp phần tạo nên thành công của Tập đoàn thời gian qua. Chẳng hạn, trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng 2010 - 2014, chúng tôi đã âm thầm tích lũy các dự án bất động sản thông qua con đường M&A, mà kinh nghiệm trong lĩnh vực này của tôi trước đó cũng đã giúp ích rất nhiều.
Tôi phải khẳng định rằng, nếu không thực hiện M&A, có thể phải mất 5 - 10 năm, FLC mới sở hữu được danh mục dự án lớn như vậy. Và chính nhờ nắm chắc các vấn đề pháp lý liên quan mà chúng tôi có thể tiến hành M&A một cách nhanh chóng.
“Khát khao là văn hóa, tốc độ là kim chỉ nam”
Nhậm chức Tổng giám đốc trong lúc FLC đang ở giai đoạn phát triển bùng nổ, điều đó tạo ra áp lực thế nào đối với bà?
Đúng là với quy mô và tốc độ phát triển như hiện nay của FLC, đòi hỏi với vị trí Tổng giám đốc điều hành là rất lớn. Song thực ra, tôi lại xem đấy là một thách thức đầy hấp dẫn.
Ở FLC, khát khao chinh phục đỉnh cao là văn hóa, và tốc độ hành động là kim chỉ nam.
Điều này xuất phát từ nhận thức đã được thấm nhuần trong toàn bộ máy Tập đoàn rằng, cơ hội không chờ đợi ai, cũng như sẽ không đến lần thứ hai, và bạn không thể chinh phục đỉnh cao, vượt qua thách thức, nếu như không biết và không thể tận dụng cơ hội.
Với bà, tố chất quan trọng nhất của một người lãnh đạo doanh nghiệp là gì?
Đó là tầm nhìn, sự quyết đoán và khả năng phát huy sức mạnh tập thể. Những tố chất này không thể tách rời. Đó là những trải nghiệm mà tôi đã học được từ chính Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn, Luật sư Trịnh Văn Quyết.
Sự phát triển bứt phá của FLC trong những năm gần đây sẽ không thể có, nếu Ban lãnh đạo Tập đoàn, đứng đầu là Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, thiếu đi một trong những tố chất kể trên.
Có một logic thế này. Bạn cần có tầm nhìn để nhận ra cơ hội. Khi cơ hội đến, bạn phải quyết đoán để không bỏ lỡ. Và cuối cùng, bạn không thể một mình làm được tất cả, nên phải cần đến một tập thể mạnh, mà bạn phải biết cách phát huy nó.
Nói về tầm nhìn, bà dự đoán xu hướng thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay thế nào, và FLC đã và đang làm gì để đón đầu xu hướng đó?
Cùng với tăng trưởng kinh tế, số người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên sẽ ngày càng tăng và do đó, nhu cầu nhà ở trung và cao cấp cũng sẽ tăng theo.
Ngoài ra, gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường bất động sản, như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015, trong đó cho phép người nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam.
Với nhu cầu tăng lên đối với các dự án nhà ở trung và cao cấp như vậy, rất nhiều tập đoàn bất động sản lớn, trong đó có FLC đang nhắm vào phân khúc này. Và thực tế các dự án thuộc phân khúc này của chúng tôi đều nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường, đơn cử như hai dự án tại Hà Nội là FLC Complex 36 Phạm Hùng và FLC Twin Towers 265 Cầu Giấy hay dự án tại Thanh Hóa là FLC Residences Sầm Sơn. Các dự án này đều có số lượng khách hàng mua và đặt mua vượt quá số lượng căn mà chúng tôi đã hoặc dự kiến chào bán.
Cùng nhắm vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao, hiện FLC cũng triển khai một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn và cũng đã nhận được sự đón nhận tích cực từ thị trường, như đại dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Với diện tích trên 200 héc-ta, bao gồm sân golf 18 lỗ dạng links, hơn 600 phòng khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ ngồi…, dự án đã được chúng tôi đưa vào khai thác từ đầu tháng 7 và đang hoạt động hết công suất . Hiện chúng tôi cũng đang triển khai đầu tư một dự án có quy mô tương tự tại Bình Định, dự kiến đưa vào khai thác toàn khu đầu năm 2016.
Chia sẻ để phát triển bền vững
FLC là một tập đoàn đa ngành. Vậy ngoài bất động sản, Tập đoàn đang có lĩnh vực hoạt động mũi nhọn nào?
Để bổ trợ cho lĩnh vực chính là đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản, tạo nền tảng phát triển bền vững, FLC cũng đang chú trọng mảng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao.
Các sản phẩm tiêu biểu của chúng tôi là phụ gia dung dịch khoan (A-Ben-C), vật liệu chống thấm (WTC) và nhựa đường cao su hóa (RA), đang được đón nhận tích cực và ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Ngoài công nghệ, FLC cũng đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp công nghệ cao… Mới đây, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Seirei, tập đoàn y tế và khám chữa bệnh hàng đầu Nhật Bản, để phát triển trong lĩnh vực này.
Đối với FLC, những hoạt động cộng đồng có ý nghĩa như thế nào?
Chúng tôi luôn tâm niệm, mỗi bước phát triển của Tập đoàn cần và nên gắn liền với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tập đoàn FLC thường xuyên có những đóng góp tích cực và xây dựng các hoạt động mang tính nhân văn, các hoạt động từ thiện doanh nghiệp vì cộng đồng. Đó không chỉ là hành động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội mà còn là cam kết của FLC. Cam kết này đã được Ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn hưởng ứng, qua hàng loạt các hoạt động xã hội cụ thể và thiết thực như cứu trợ đồng bào lũ lụt, chung tay vì người nghèo, ủng hộ cảnh sát biển, tài trợ giải golf “Vì trẻ em Việt Nam”…
Bên cạnh đó, thông qua việc tổ chức giải FLC Golf Challenge thường niên, FLC đã có nhiều năm quyên góp ủng hộ các mái ấm tình thương, góp phần xoa dịu nỗi đau, động viên các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Đặc biệt, một cộng đồng mà chúng tôi luôn quan tâm chăm sóc đó chính là các thành viên của “đại gia đình” FLC. Cá nhân tôi cũng như Ban lãnh đạo luôn mong muốn làm cho mỗi nhân sự trong Tập đoàn sẽ coi FLC là gia đình lớn của mình. Chính vì vậy, ngoài mức lương tương đương các doanh nghiệp FDI và các quyền lợi khác về bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, chúng tôi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết cán bộ nhân viên trong Tập đoàn như các chương trình gala, team bulding…
Ngoài ra, là một doanh nghiệp đại chúng, FLC ý thức rất rõ mối quan hệ mật thiết doanh nghiệp - cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định minh bạch hóa thông tin để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cộng đồng khách hàng và nhà đầu tư của FLC, đồng thời luôn cầu thị sự góp ý, phản hồi từ cộng đồng nhằm hoàn thiện hơn, nỗ lực phát triển không ngừng để tiếp tục đóng góp cho lợi ích chung của toàn xã hội.
Doanh nhân Hương Trần Kiều Dung là Tiến sĩ Luật quy hoạch xây dựng tại Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV (Pháp). Bà có tới hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.
BizLIVE