Vết nứt dọc trụ cầu Vĩnh Tuy là rất nguy hiểm
Đó là quan điểm của Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
- 03-03-2014Chính phủ yêu cầu kiểm tra, làm rõ nguyên nhân nứt ở trụ cầu Vĩnh Tuy
- 25-02-2014Cây cầu Vĩnh Tuy 3.600 tỉ đồng không chỉ nứt ở trụ T 22
- 19-02-2014Nứt trụ cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội): Báo động an toàn công trình!
- 04-04-2013Vingroup làm đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở
- 05-10-2011Năm 2012, xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
- 10-06-2011Xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) vốn 2.500 tỷ đồng và vành đai 1
Liên quan đến việc cầu Vĩnh Tuy có những vết nứt đã được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng tuần trước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở giao thông Vận tải thành phố Hà Nội khẳng định, vết nứt không ảnh hưởng đến chất lượng công trình cầu Vĩnh Tuy.
Kết luận này có thỏa đáng hay không? Tại sao khi đưa vào khai thác, sử dụng được khoảng 2 tháng đã xuất hiện vết nứt, đến nay đã 3 năm trôi qua nhưng Sở giao thông vận tải Hà Nội cũng không có báo cáo về sự việc này và cũng không đưa ra được nguyên nhân sự việc.
Cận cảnh vết nứt tại trụ cầu T22 (ảnh: Lao Động) |
Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội xung quanh sự cố vết nứt cầu Vĩnh Tuy.
Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, quan điểm của ông như thế nào về vết nứt tại trụ cầu Vĩnh Tuy hiện nay?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng: Hiện tượng nứt tại cầu Vĩnh Tuy không phải tại một trụ mà nhiều trụ. Có những trụ bị nứt trước và những trụ bị nứt trong thời gian gần đây.
Để xác định được nguyên nhân nứt do đâu, và những vết nứt thẳng đứng như thế khả năng xuất hiện một ứng sức kéo (hay nói cách khác khi lực căng ra theo bề ngang, trụ đã bị phá vỡ khả năng trụ lực theo phương kéo của vật liệu theo phương ngang gồm bê tông và đai ngang đã bị vượt quá tạo ra vết nứt. Và khi vết nứt có mở rộng ra không còn phụ thuộc vào tải trọng bên trên.
Do vậy, cần phải có những thiết bị chuyên dụng để kiểm tra độ sâu của vết nứt và kiểm tra cả lượng cốt thép ở trong các vành đai của vành khuyên trên.
Khả năng chịu kéo theo vành khuyên là yếu mới nứt, do vậy phải kiểm tra xem khả năng của côn đai như thế nào. Giống như hiện tượng của một vật nén của một hình thể khối đặc thì bao giờ cũng phình ra.
Chúng ta hãy quan trắc một khối đất sét làm theo hình lập phương chẳng hạn, khi nén khối đất bị phồng ra hai bên, như vậy xuất hiện ứng suất kéo.
Nếu khối đặc thì lực được phân bố nhỏ và lực đều ra. Do vậy, không thế nói nứt là do co ngót của bê tông khối lớn được, vì nứt theo co ngót phải dạng chân chim chứ không nứt thẳng, thứ hai là khối lớn đặc thì việc nứt sẽ lớn hơn, nhìn vết nứt là ta có thể xác định vết nứt do vệt kéo của vật liệu gồm có bê tông và thép.
Do vậy, theo tôi, vết nứt là từ lực nén từ trên xuống, mà việc tạo ra lực nén và lực kéo ngang của của vành khuyên. Cứ nhìn vết nứt là ta có thể xác định được khả năng lực kéo đã vượt quá khả năng chịu kéo của vật liệu gồm có bê tông và thép ở vùng đó như thế nào.
Phóng viên: Việc cầu Vĩnh Tuy đưa vào khai thác và sử dụng nhưng ngay sau đó khoảng 2 tháng thì có hiện tượng nứt như Sở Giao thông cho biết, rõ ràng là chất lượng của công trình cầu Vĩnh Tuy có vấn đề?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng: Hiện nay công trình vẫn sử dụng bình thường, nhưng vết nứt có từ lâu. Nhưng với khí hậu nóng ẩm thất thường và độ sâu vết nứt lớn và bề rộng của nó cũng lớn thì không loại trừ khả năng ăn mòn cốt thép.
Việc vết nứt lớn thì khả năng ăn mòn cốt thép là có, do vậy theo tôi cần phải đục rộng ra và dùng các thiết bị để kiểm tra xem cốt thép bị thương tổn như thế nào và sự ăn mòn có tác hại gì cũng như vết nứt có phát triển nữa không. Cần có hội đồng kiểm định để xác định chính xác nguyên nhân. Tuổi thọ của công trình là hàng trăm năm, nên không ai có thế xác định mức độ nguy hiểm bây giờ được.
Phóng viên: Vậy ông đánh giá như thế nào về chất lượng và tuổi thọ của Cầu Vĩnh Tuy khi phát hiện vết nứt tại trụ cầu H22, và cần phải khắc phục như thế nào?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng: Theo thông tin, tháng 7/2013 cầu khánh thành thì tháng 10 đã phát hiện nứt, và hiện vết nứt đã lớn và xuất hiện ở các trụ khác nữa.
Như vậy có thể khẳng định là công trình có vấn đề. Thép mà bị ngấm nước sẽ bị ăn mòn với bêtông thì phải trám vá (bó bột). Cần phải gia cố và tạo vành đai ngoài, chứ nếu chỉ bơm nhựa dính keo vào thì chỉ là trám vá, không đảm bảo chất lượng với một công trình lớn như vậy.
Hiện nay, hội đồng nghiệm thu mới đưa ra các ý kiến cá nhân và theo tôi những ý kiến đó chưa thỏa đáng. Nếu chưa làm đầy đủ các nghiên cứu rồi mới có biện pháp sẽ không có hiệu quả gì cả, nhất là với những công trình có đầu tư tiền của lớn như vậy, công trình ngay thủ đô Hà Nội như thế.
Phóng viên: Thưa ông, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc các công trình xây dựng cơ bản ngành giao thông mới đưa vào sử dụng đã xảy ra hiện tượng lún, nứt. Cụ thể gần đây là trụ cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) và sập cầu treo Chu Va (Lai Châu). Ông có nhận định gì sau những sự cố này?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng: Việc xảy ra sự cố nhiều của ngành xây dựng là do chúng ta làm các công trình lớn với thời gian thi công nhanh, nhiều nơi phải ép tiến độ cũng như quy trình quản lý chất lượng có vấn đề của nó.
Do vậy cần phải hoàn chính hơn nữa về quy trình quản lý chất lượng và quy trách nhiệm một cách rõ ràng hơn thì sẽ làm đâu được đấy và giảm bớt được những tồn tại cho công trình và người sử dụng.
Ví dụ đường dẫn thường hay bị lún vì đất mượn và thi công ẩu do đầm không kỹ, hay mặt cầu và mặt đường nếu đầm không kỹ mà cộng với vật liệu thi công kém chất lượng và thi công không đảm bảo quy trình thì xuống cấp là đương nhiên.
Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân do tải trọng là không thuyết phục. Ngoài ra còn trách nhiệm của khảo sát thiết kế, thi công và giảm sát tăng thì sẽ giải quyết được vấn đề.