Vì sao Chủ tịch Công ty Địa ốc Dầu khí bị bắt?
Thông tin ban đầu được biết, hành vi sai phạm của ông Sáu có liên quan đến dự án Linh Tây tại Thủ Đức, Tp.HCM.
Ngày 17/1, Cơ quan An ninh điều tra –Bộ Công an đã có Thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Dầu khí (PVL), về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự.
Công CP địa ốc Dầu khí tiền thân là Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam, thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư bất động sản, hiện Công ty này đang niêm yết 50 triệu cổ phần trên sàn HNX với mã chứng khoán PVL.
PVL được xem là công ty địa ốc có nhiều bê bối nhất trong các đại gia địa ốc, khi thị trường chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn, cổ phiếu PVL liên tục rớt giá vì công ty luôn có kết quả kinh doanh bết bát nhiều quý, lũy kế 3 quý năm 2013 PVL đã lỗ tới hơn 22 tỷ đồng. Tài chính gặp vấn đề các dự án bất động sản mà đơn vị này là chủ đầu tư tiêu biểu như dự án Linh Tây, dự án Petro Vietnam Landmark Tower (Tp.HCM) và dự án Nam Đàn Plaza (Hà Nội)...
Thông tin ban đầu được biết, hành vi sai phạm của ông Sáu có liên quan đến dự án Linh Tây tại Thủ Đức, Tp.HCM. Ban đầu dự án được thiết kế chỉ cao 18 tầng, nhưng sau đó ông Hoàng Ngọc Sáu đã trình HĐQT Công ty nâng lên 22 tầng. Dù chưa được cơ quan chức năng phê duyệt nhưng ông Sáu vẫn cho tiến hành triển khai công trình cao 22 tầng.
Bên cạnh đó, ông Sáu có liên quan đến việc thuê 1000m2 làm sàn giao dịch BĐS tại phường An Phú với giá thuê 8.720USD/tháng, thời hạn thuê trong 5 năm. Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy việc cho thuê này không có thật.
Với dự án Petro Vietnam Landmark, đây là dự án mà PVL gặp vấn đề rắc rối đã nhiều năm nay với nhóm khách hàng khoảng 40 người. Đến nay, mặc dù đã xây xong phần thân tòa nhà, nhưng công trình đã chậm giao nhà 2 năm so với Hợp đồng mà PVL đã ký với khách hàng. Đa phần khách hàng đã đóng 85-100% giá trị căn hộ.
Cực chẳng đã, đã có rất nhiều lần nhóm khách hàng này “tố” lên cơ quan chức năng cũng như căng băng rôn đòi nhà đối với PVL nhưng đến nay công trình chưa thể giao nhà, thậm chí nhiều khách hàng tại Tp.HCM còn kéo ra Hà Nội (trụ sở PVL) để phản đối chủ đầu tư.
Nhiều khách hàng đã đặt thẳng vấn đề liệu đây có phải là màn kịch của PVL và PVCland khi cả 2 công ty đều thuộc Tập đoàn Dầu khí? Trong khi khách hàng đóng 80% thì PVL mới thanh toán cho PVCland 63% giá trị hợp đồng (PVL mua lại căn hộ của PVCLand rồi bán cho khách hàng), vậy số tiền còn lại tại sao PVL không đóng tiếp cho PVCland để hoàn thiện dự án? Được biết, năm 2011 PVL đã hạ giá bán căn hộ dự án này từ 23,8 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 để thu hồi vốn.
Theo đại diện của PVL thì hiện nay còn cần khoảng 200 tỷ đồng nữa mới có thể hoàn thiện được dự án bàn giao cho khách hàng. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của công ty thì không có, dự án thì đã “cầm cố” ở ngân hàng, do vậy, công trình vẫn chưa có lối thoát. HĐQT Công ty đang tính toán đến phương án phải “nhờ vả” đến Tập đoàn. Còn đại diện PVC Land cho rằng, dự án này chủ đầu tư cũng đang phải lỗ và phải bán tài sản để xây tiếp.
Không kém phần rắc rối, bê tối liên quan đến PVL đó là dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng (sát cạnh Keangnam). Đây là dư án Tổ hợp công trình TTTM, văn phòng và nhà ở được xây trên khu đất 9.584m2. Sau 11 năm được giao đất, dự án này lại có số phận hết sức éo le và liên tục đổi vận…
Tháng 10/2002 Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất và giao cho công ty Xuyên Thái Bình Dương ( này là CTy CP Địa ốc dầu khí Viễn thông) làm nhà tang lễ. Đến 2006 Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất này từ dự án Nhà tang lễ thành dự án Nam Đàn Plaza. Năm 2009 Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã duyệt điều chỉnh quy hoạch và phương án thiết kế, đến tháng 11/2009 thì dự án được chấp thuận đầu tư
Hiện nay, khu đất đang là bãi để xe, trụ sở điều hành công ty, năm 2012 Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị thu hồi hoặc gia hạn quyết định giao chủ đầu tư dự án.
Trong nhiều năm thay đổi về các thủ tục đầu tư thì dự án này cũng liên quan đến nhiều bê bối trong việc hợp tác đầu tư, chuyển nhượng cổ phần. Để đầu tư vào dự án, PVL đã thành lập công ty liên kết với Công ty Xuyên Thái Bình Dương là CTCP địa ốc dầu khí Viễn Thông, hiện đang là chủ đầu tư dự án, PVL nắm 27,99%.
Do dự án này gặp một số khó khăn, nên PVL đã có chủ trương thoái vốn. Theo bản công bố thông tin bất thường vào tháng 8/2010, PVL cho biết, đã bán phần vốn tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho CTCP Xây dựng Minh Ngân với trị giá hơn 191 tỷ, và Minh Ngân đã trả 100 tỷ cho PVL, còn lại 91,7 tỷ chưa trả đến 28/4/2010 theo hợp đồng là hết thời hạn nhưng Minh Ngân đã quá hạn trả nợ 3 tháng, PVL đã gửi nhiều công văn đề nghị thanh lý Hợp đồng và hoàn lại tiền cũng như cổ phần, nhưng Minh Ngân vẫn không thanh toán theo cam kết. Sau đó, PVL đã “tố” Minh Ngân ra tòa và cơ quan điều tra C46.
Cũng liên quan đến việc chuyển nhượng vốn này, trong việc điều tra vụ án Lê Hòa Bình và đồng bọn lừa bán đất tại dự án Thanh Hà Cienco 5, cơ quan điều tra đã phát hiện ra sai phạm của cựu chủ tịch Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam, Đào Duy Phong trong việc giao dịch mua cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Trong vụ xét xử Lê Hòa Bình vào đầu tháng 12/2013 vừa qua, cơ quan điều tra đã làm rõ Lê Hòa Bình và đồng phạm sử dụng hơn 398,4 tỷ đồng (từ tiền lừa đảo, chiếm đoạt gần 800 tỷ) vào các mục đích khác nhau, trong đó chi 264,2 tỷ đồng để mua 24 triệu cổ phần tại CTCP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương.
Thông qua sự môi giới của bị cáo Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình tìm gặp lãnh đạo PVP Land đặt vấn đề mua lại toàn bộ cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Để hưởng lợi cá nhân 10 tỷ đồng, Đào Duy Phong, cựu Chủ tịch HĐQT PVP Land đã chỉ đạo nguyên giám đốc PVP Land bán hơn 12 triệu cổ phần với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế cũng như Nghị quyết của HĐQT.
Nhật Nam
Trí Thức Trẻ