Vingroup muốn mua Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn
Đề xuất mua lại 80% cổ phần Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn của Vingroup là vượt ngoài quy định của Chính phủ...
- 05-03-2015Sẽ thoái vốn tối đa tại các cảng biển
- 04-03-2015Nhiều “ông lớn” xếp hàng "mua" cảng biển
- 19-11-2014Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư cảng biển
Tóm tắt:
-Tập đoàn Vingroup đang lên kế hoạch mua lại một số cảng biển lớn. Trong đó, Vingroup mong muốn mua lại 80% cổ phần cảng Sài Gòn trước khi nhà nước thoái vốn. Vingroup cũng muốn sở hữu 80% cổ phần với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng Hải Phòng.
-Cảng Sài Gòn có giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Cảng biển Hải Phòng có vốn điều lệ 3.270 tỷ đồng đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi IPO hồi năm ngoái.
Trước chủ trương xã hội hoá hạ tầng cảng biển của Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Vingroup đang lên kế hoạch tham gia với việc mua lại một số cảng biển lớn.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, mới đây Vingroup đã bày tỏ mong muốn được mua lại 80% cổ phần của Cảng Sài Gòn trước khi nhà nước thoái vốn với mức không thấp hơn giá IPO dự kiến diễn ra nửa đầu năm nay. Doanh nghiệp này cũng kiến nghị tham gia vào quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa của cảng Sài Gòn.
Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp mới, tại thời điểm đầu năm 2014, Cảng Sài Gòn có giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Riêng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.160 tỷ đồng.
Cùng với Cảng Sài Gòn, Vingroup cũng muốn sở hữu 80% cổ phần với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng Hải Phòng.
Cảng biển lớn nhất miền Bắc có vốn điều lệ 3.270 tỷ đồng đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sau khi IPO hồi năm ngoái. Hiện phần vốn Nhà nước tại đây vẫn chiếm gần 95%, do Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nắm giữ.
Theo quyết định của Thủ tướng hồi giữa 2014, đối với doanh nghiệp trong lĩnh quản lý, khai thác vực hạ tầng cảng biển, sân bay thì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa không dưới 75%.
Khi phê duyệt quyết định cổ phần hóa Vinalines, tỷ lệ này tại cảng Hải Phòng và Sài Gòn cũng được Bộ Giao thông Vận tải ấn định ở 75%. Nhưng sau một mùa IPO ế ẩm, Chính phủ đã đồng ý giảm tỷ lệ này xuống còn 51% theo đề nghị của Bộ chủ quản và Vinalines.
Chính vì vậy, với đề nghị mua đến 80% cổ phần của hai cảng nói trên của Vingroup, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay đều phải báo cáo Thủ tướng quyết định.
Với Cảng Sài Gòn, dù chưa phải cạnh tranh với đối tác tiềm năng nào, song trở ngại với Vingroup tại đây là tiêu chí để được chọn làm nhà đầu tư chiến lược.
Khi phê duyệt tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược, Vinalines đặt ra cho các ứng viên phải là doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính trong ngành vận tải hàng hóa. Nếu không cũng phải là doanh nghiệp về dịch vụ logistics hay quản lý và khai thác cảng biển. Kinh nghiệm tối thiểu tham gia trong những lĩnh vực này phải là 5 năm.
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI), một thành viên thuộc Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman cũng đã có đề xuất trở thành nhà đối tác chiến lược của cảng Hải Phòng với việc mua lại khoảng gần 30% vốn điều lệ của cảng này.
Ngoài đối tác VOI, Ngân hàng Vietinbank – một chủ nợ của Vinalines cũng đang muốn chuyển đổi số nợ khoảng 2.000 tỷ thành cổ phần Cảng Hải Phòng do Vinalines nắm giữ. Mong muốn này hiện cũng đã được Ngân hàng Nhà nước đồng ý về mặt chủ trương.
Theo Song Hà