Tin tưởng cho người quen vay 12.5 triệu, cô gái sửng sốt vì mất hơn 350 triệu: Thủ phạm lĩnh án 9 năm tù
Thủ phạm đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau vì nhận thấy "nạn nhân" dễ tin người.
- 14-05-2024Công bố 5 số tài khoản ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần cảnh giác khi giao dịch!
- 13-05-2024Người mẹ từ chối chuyển 65 triệu đồng tiền học phí cho con, còn âm thầm báo cảnh sát về hành vi bất thường của thầy giáo: Thành công ngăn chặn vụ lừa đảo 5 tỷ đồng
- 10-05-2024Thanh niên thất nghiệp nhưng đi Mercedes, thuê 50 căn hộ cao cấp mà không ở: Cảnh sát vào cuộc phát hiện hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ cao, chiếm đoạt 105 tỷ đồng
Lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản
Đỗ Mạnh P quen biết chị Lê Thị Diệp T từ năm 2020. Do cần tiền tiêu xài và đánh bạc, P đã nảy ra ý tưởng lừa đảo T. Từ 05/6/2023 đến 31/7/2023, P dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tiền của T.
Đầu tiên, đối tượng nói dối rằng mình cần tiền để lấy bảo hiểm xã hội. P đã yêu cầu T chuyển tiền vào tài khoản của mình với lời hứa sẽ trả lại sau khi nhận bảo hiểm. T tin tưởng nên đã chuyển cho P tổng cộng 12.5 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng.
P tiếp tục lừa nạn nhân bằng cách giả vờ làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Hắn còn giả mạo nhân viên bưu điện để gọi điện cho chị T. P tiếp tục gọi điện, nhắn tin cho chị T để đưa ra các thông tin không có thật về việc quản lý bưu điện huyện, gây khó khăn trong việc làm thủ tục, nếu không tiếp tục nộp tiền làm thủ tục thì không lấy được tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Hắn còn nói phải mở tài khoản mới để nhận tiền bảo hiểm. Chị T tin tưởng, đồng thời lo sợ nếu P không lấy được tiền bảo hiểm thì sẽ không có tiền để trả cho chị, nên trong khoảng thời gian từ ngày 06/6/2023 đến ngày 09/6/2023 chị T đã 11 lần chuyển khoản tổng số tiền 119.560.000đ vào tài khoản khác của đối tượng.
Không dừng lại ở đó, khi thấy việc lừa chị T dễ dàng nên P tiếp tục giả danh công an gọi điện, nhắn tin thông báo rằng P đánh người khác gây thương tích. Nạn nhân lo rằng đối tượng bị bắt sẽ không trả được tiền nên đã chuyển tiền vào tài khoản của một người khác theo yêu cầu của P.
P tiếp tục lừa dối bằng cách giả danh nhân viên bưu điện và ngân hàng, khiến T chuyển tiền với lý do duy trì thẻ tiết kiệm và giải quyết các vấn đề với công an. Tổng số tiền mà P lừa được lên tới 351 triệu đồng.
Đến đầu tháng 8/2023, đối tượng sử dụng tài khoản Zalo nhắn tin cho nạn nhân thông báo việc P bị lừa đảo, đồng thời đề nghị nạn nhân tiếp tục chuyển tiền thì sẽ cho chị tham gia vào đường dây lừa đảo kiếm tiền. Nhưng chị T không đồng ý. Đến ngày 03/8/2023, chị T đã đến công an trình báo sự việc. Ngày 06/8/2023, hắn đến công an đầu thú.
Sau quá trình điều tra, thu thập lời khai và chứng cứ, tòa án quyết định xử phạt Đỗ Mạnh P chín năm tù giam. Bên cạnh đó, hắn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền đã lừa đảo cho nạn nhân là chị Lê Thị Diệp T.
Lời cảnh tỉnh cho nhiều người
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng.
Nếu đã dính vào bẫy của những kẻ lừa đảo, người dân cần bình tĩnh và làm theo những hướng dẫn dưới đây để tránh bị thiệt hại nặng nề hơn.
- Đừng tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo.
- Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính của bạn để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.
- Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
- Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.
- Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia: khonggianmang.vn.
Đời sống và pháp luật