Tin vui từ Thanh Hóa
9 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có nhiều khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đều đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt Top đầu trong cả nước.
- 24-09-2024Thành phố loại 2 ở miền Tây nhận đầu tư hơn 1.000 tỷ để nâng cấp đô thị
- 24-09-2024Huyện ít dân nhất của tỉnh Bình Dương sẽ có 4 đô thị
- 24-09-2024Tin tưởng Bắc Ninh sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, Thủ tướng chỉ ra 2 điểm tỉnh nhỏ nhất Việt Nam cần lưu ý
Sáng ngày 23/9, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Phiên họp UBND Tỉnh thường kỳ tháng 9/2024 dưới sự chủ trì của ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2024 và định hướng phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
9 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm sáng và chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 20,2%, đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14% so với cùng kỳ.
Giá trị xuất khẩu tăng 27,3%; tổng lượng khách du lịch vượt 4,7% kế hoạch và tăng 19,6%, tổng thu du lịch tăng 39,2%; doanh thu vận tải tăng 14,3%. Thu ngân sách nhà nước vượt 20% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ, nằm trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực; thu hút đầu tư gấp 1,8 lần về số dự án và 26% về số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 22,5%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 17 bậc so với năm 2022.
Giải ngân vốn đầu tư công luôn trong nhóm đầu cả nước; Giải phóng mặt bằng đạt 89,8% kế hoạch, tăng cao so với cùng kỳ (71,2%). Triển khai tích cực và bàn giao sớm mặt bằng, góp phần quan trọng hoàn thành dự án đường dây 500kV của Quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ như: Bia các loại giảm 13,7%; ô tô tải các loại giảm 62,6%; dầu và mỡ bôi trơn giảm 8,4%...; chưa có thêm các sản phẩm công nghiệp mới.
Tiến độ của nhiều dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia; đường giao thông từ khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa...
Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có nhiều khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đều đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt Top đầu trong cả nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra; đồng thời lưu ý, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.
Ông Đỗ Minh Tuấn lưu ý, trước mắt, cần chủ động, tập trung nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, bão lụt. Các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá, xác định rõ các nội dung, công việc còn lại của 3 tháng cuối năm 2024 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; các chương trình, cơ chế, chính sách cụ thể hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội; kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào và hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không để gián đoạn sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát huy tối đa công suất, gia tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt cho các sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm.
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào vận hành các dự án công nghiệp quy mô lớn trong những tháng cuối năm 2024, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhịp sống thị trường