Tin vui với "Big 4" ngân hàng: Chính thức có cơ sở pháp lý để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước
Nghị định 121/2020/NĐ-CP vừa được ban hành mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018.
Theo đó, Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Như vậy, doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau đây:
a) Quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay;
b) Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
c) Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không;
d) Khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng;
đ) Tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí;
e) Đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa;
g) Trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh;
h) Lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Việc sửa đổi Nghị định 91 đã được các ngân hàng thương mại nhà nước mong ngóng từ lâu, để có hành lang pháp lý đẩy nhanh việc tăng vốn điều lệ, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR), có dư địa phục vụ tăng trưởng. Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành, được Thống đốc NHNN nhấn mạnh trong những năm trở lại đây.
Hiện trong 4 ngân hàng, Agribank và VietinBank là 2 ngân hàng cần cấp thiết tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tạo tiền đề tăng trưởng các năm sau. Vốn điều lệ của VietinBank đã không thể tăng kể từ năm 2014 đến nay, Agribank tăng vốn rất chậm trong khi tín dụng tiếp tục mở rộng.
Vietcombank và BIDV không quá cấp thiết như 2 ngân hàng trên do đã tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Hiện VietinBank, Vietcombank và BIDV đều đang đề xuất được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong khi đó, Agribank là ngân hàng 100% sở hữu của Nhà nước, chỉ có thể tăng vốn từ nguồn ngân sách, ngân hàng dự kiến được bổ sung không quá 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay.
Hiện tại, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với 40.220 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là VietinBank (37.234 tỷ đồng), Vietcombank (37.088 tỷ đồng), Agribank (30.641 tỷ đồng).