MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh đông dân top đầu cả nước sẽ có khu kinh tế chuyên biệt 5.300ha, hai cao tốc, hai tuyến đường sắt kết nối với Thủ đô

Tỉnh trung tâm phía Bắc này dự kiến làm thêm hai cao tốc, 9 đường tỉnh, 2 tuyến đường sắt kết nối Thủ đô Hà Nội.

Tỉnh đông dân top đầu cả nước sẽ có khu kinh tế chuyên biệt 5.300ha, hai cao tốc, hai tuyến đường sắt kết nối với Thủ đô - Ảnh 1.

Ngày 19/12, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tốc độ tăng trưởng 9,5%/năm, một thị xã lên thành phố

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương, rộng 1.668,28 km2 gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (02 thành phố, 01 thị xã và 09 huyện); 235 đơn vị hành chính cấp xã (47 phường, 178 xã và 10 thị trấn).

Mục tiêu phát triển tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 8,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 582.000 tỷ đồng.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, quy hoạch nêu rõ, phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị, bao gồm: 01 đô thị loại I là thành phố Hải Dương; 01 đô thị loại II là thành phố Chí Linh; 01 đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 07 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, 2 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn.

Sẽ có khu kinh tế chuyên biệt 5.300 ha

Đáng chú ý, Hải Dương sẽ phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại trung tâm vùng công nghiệp động lực thuộc huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện, quy mô dự kiến khoảng 5.300 ha. Khu kinh tế chuyên biệt tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics…; có trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng, các khu phi thuế quan, đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại.

Tỉnh đông dân top đầu cả nước sẽ có khu kinh tế chuyên biệt 5.300ha, hai cao tốc, hai tuyến đường sắt kết nối với Thủ đô - Ảnh 2.

Ngoài ra, tỉnh thành lập mới 21 khu công nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn về khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp với tổng diện tích là 5.661ha. Ngoài ra, sẽ thành lập thêm một số khu công nghiệp sau khi được điều chỉnh, bổ sung thêm chỉ tiêu sử dụng đất (nhu cầu bổ sung thêm khoảng 2.340 ha).

Về giao thông, ngoài cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hiện có, tỉnh có thêm 2 cao tốc quy hoạch mới là Nội Bài - Hạ Long (đoạn qua TP Chí Linh) và Đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, tỉnh dự kiến làm thêm 9 tuyến đường tỉnh, bao gồm: Đường tỉnh 394B, Đường tỉnh 397, Đường tỉnh 388 dự kiến (Tuyến nối từ Quốc lộ 18 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), Đường tỉnh 398C dự kiến (Đường từ cầu Đồng Việt đến đường tốc độ cao của Quảng Ninh), Đường tỉnh 388B dự kiến (Đường trục Bắc Nam tuyến phía Bắc), Đường tỉnh 392D dự kiến (Đường kết nối thị trấn Thanh Miện sang Quỳnh Lâm), Đường tỉnh 396D dự kiến (Đường kết nối đường tỉnh 392; Đoạn chỉnh tuyến, huyện Ninh Giang với đường tỉnh 451, tỉnh Thái Bình), Đường tỉnh 397B dự kiến (Tuyến đường trục Đông Tây Kinh Môn kết nối đường tỉnh 352 Hải Phòng), Đường tỉnh 399B dự kiến (Đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng)

Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng 2 tuyến đường sắt mới trong giai đoạn đến năm 2030, gồm tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm); tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng (khổ đường 1.435 mm); đồng thời cải tạo, nâng cấp ga Cao Xá lên thành ga quốc tế. Tỉnh cũng dự kiến quy hoạch thêm 23 cảng mới.

Hải Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giáp tới 6 tỉnh là Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Thái Bình. Diện tích tự nhiên của Hải Dương là 1.668,2 km2 (đứng thứ 51/63 tỉnh thành cả nước). Trong khi đó, với gần 2 triệu người, dân số của Hải Dương hiện đứng thứ 8 cả nước, chỉ sau TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai và Bình Dương. Cơ cấu dân số trẻ nên tỉnh có nguồn lao động dồi dào.

Nhật Minh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên