Tinh giản biên chế phải quyết liệt như chống tham nhũng
Chủ trương tinh giản biên chế đã chín muồi và đang là việc làm cấp bách, cần thực hiện ngay, không thể chậm trễ hơn nữa.
- 30-10-2017Tinh giản biên chế trong mắt Bộ trưởng Nội vụ
- 04-10-2017Tinh giản biên chế phải được kiểm soát chặt chẽ
- 08-08-2017Tốc độ “rùa” của tinh giản biên chế
- 30-07-2017Tinh giản biên chế: Vì sao muốn giảm lại càng tăng?
- 27-03-2015Tinh giảm biên chế: Khó từ khâu xác định vị trí việc làm
- 20-11-2013Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói gì về tinh giảm biên chế sau 5 năm thực hiện lại tăng 15% - 25% ?
Những năm qua cả nước nói nhiều về tình trạng lạm phát cán bộ, nhưng gần như chưa có một báo cáo tổng quan đầy đủ nào về thực trạng này công bố trước công luận.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên, Ban Tổ chức Trung ương có một báo cáo có lẽ đầy đủ nhất, toàn diện nhất về sự phình ra của bộ máy và số lượng công chức hiện nay. Những con số biết nói được đưa ra tại Hội nghị về số lượng cán bộ công nhân viên chức thuộc hàng nhiều nhất thế giới, đang yêu cầu thực hiện tinh giản ngay lập tức.
Ảnh minh họa.
Dù biết số lượng công chức ở nước ta quá lớn, bộ máy phình to, cồng kềnh, nhưng khi nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính báo cáo tại Hội nghị quán triệt các Nghị quyết Trung ương 6 vẫn khiến nhiều người giật mình. Đó là 2 năm qua lẽ ra phải tinh giản biên chế 140.000 người nhưng cả nước lại tăng thêm 96.000 người.
Tỷ lệ công chức, viên chức hưởng lương trên 1.000 dân ở Việt Nam là 43 người, chưa kể quân đội, công an, trong khi một số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philippines chỉ có 13 người, Ấn Độ 16, Indonesia 17....
Đó còn là tỷ lệ vô tiền khoáng hậu trên thế giới: cứ 5 công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan toàn bộ cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có Vụ có tới 19 hàm Vụ phó. Và còn nhiều con số "chướng tai gai mắt khác" được Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính chỉ ra tại Hội nghị.
Có những cơ quan tăng cấp phó nhiều đến mức không thể tin nổi, vậy mà công việc của một số đơn vị vẫn không trôi chảy và có không ít cơ quan vẫn kêu thiếu cán bộ.
Với tỷ lệ công chức tính trên đầu người dân nhiều bậc nhất thế giới, khó có thể có ngân sách quốc gia nào đủ chi trả. Tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả và bộ máy cồng kềnh là hai nguyên nhân chính khiến ngân sách quốc gia luôn bị thâm thủng trong thời gian dài vừa qua.
Việc công chức đông đúc, bộ máy cồng kềnh không chỉ tiêu tốn ngân sách mà còn làm giảm hiệu lực hiệu quả quản lý của Nhà nước khi các công việc bị chồng lấn lên nhau. Đơn vị này giẫm chân lên đơn vị khác, bộ ngành này quản lý chồng chéo lĩnh vực sang cả bộ ngành kia. Câu chuyện 3 Bộ quản lý thực phẩm nhưng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan là một ví dụ điển hình.
Tinh giản biên chế là bớt đi gánh nặng ngân sách đang bị thâm hụt nặng. Theo tính toán, giảm được 10% công chức, tức giảm 400.000 người (mỗi người lương bình quân tạm tính 5 triệu đồng) thì cả nước tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng/tháng.
Giảm được cán bộ công chức, gắn liền với cải cách hành chính cũng có nghĩa là sẽ giảm được sự sách nhiễu của cán bộ đối với dân chúng, doanh nghiệp. Do vậy, ở khía cạnh nào đó còn giải phóng được sức sản xuất, sáng tạo, kinh doanh của cộng đồng. Cái này là lợi cấp số nhân.
Nhiều lợi ích rõ ràng như vậy, quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong nhiều năm qua cũng ít nhiều thể hiện qua các văn bản, chỉ thị, nhưng vẫn không giảm được, thậm chí còn tăng lên. Vì sao lại như vậy?
Ông Phạm Minh Chính chỉ rõ, đó là chưa có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế, cũng không có ai được khen vì giảm biên chế thành công. Và ông kết luận: Chủ trương của Đảng mà không có khen, chê, kỷ luật thì thực hiện rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế, vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên.
Chính quyền địa phương sẽ không thể giảm biên chế nếu như trên Trung ương, nhiều bộ ngành vượt số lượng Thứ trưởng theo quy định. Cấp huyện, xã sẽ không thể tinh giản người, giảm phòng nếu như cấp Sở, ban và tỉnh lạm phát cấp phó.
Việc tinh giản biên chế cần một hành động quyết liệt như công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Làm nghiêm từ trên xuống. Bộ ngành nào không giảm được biên chế, thu gọn Cục, Vụ như Nghị quyết Trung ương chỉ ra thì người đứng phải chịu trách nhiệm, thậm chí giáng chức để người khác lên thay.
Ở địa phương, nơi nào để vượt cấp phó thì người đứng đầu tỉnh, Sở ngành đó phải chịu trách nhiệm. Chủ trương tinh giản biên chế đã chín muồi và đang là việc làm cấp bách, cần thực hiện ngay, không thể chậm trễ hơn nữa.
VOV