Tỉnh giáp Trung Quốc sắp có nhiều thành phố trực thuộc nhất Việt Nam lập kỳ tích mới
Trong năm 2023, lần đầu tiên tỉnh này đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước và lập kỳ tích 9 năm liên tiếp tăng trưởng kinh tế 2 con số.
- 16-12-2023Thị xã rộng bằng 10 quận Hà Nội, chiếm 70% diện tích KCN toàn tỉnh công nghiệp phía Bắc, một chỉ tiêu kinh tế dẫn đầu
- 15-12-2023Năm "đại thắng" của một tỉnh giáp Trung Quốc: 9 năm liên tiếp tăng trưởng trên hai con số, lập kỷ lục về thu hút FDI
- 13-12-2023Tỉnh miền Bắc được đề xuất đầu tư nhà máy phụ trợ ô tô 1.250 tỷ đồng
Quảng Ninh sắp có nhiều thành phố trực thuộc nhất Việt Nam
Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị rà soát tiêu chí đô thị loại III đối với thị xã Đông Triều và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thị xã.
Căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và đối chiếu với 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn của đô thị loại III, tại hội nghị, Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng đã thống nhất Thị xã Đông Triều đạt điểm số trung bình là 85,86 điểm (cao hơn 10,86 điểm so với điểm tối thiểu theo quy định là 75 điểm) và 100% thành viên tham gia cuộc họp thống nhất 4 xã Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức đều đạt tiêu chuẩn hạ tầng của đô thị loại III, đủ tiêu chuẩn công nhận là phường.
Hội đồng thẩm định thống nhất trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành văn bản công nhận kết quả đánh giá nói trên. Đây là điều kiện cần để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền thành lập TP Đông Triều trực thuộc tỉnh theo Quy hoạch chung tỉnh Quảng Ninh.
Hiện, Quảng Ninh có 4 thành phố: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí.
Theo Quy hoạch, đến 2025, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên.
Quảng Ninh lập kỷ lục 9 lần liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số
Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương ước tăng 11,03%. Đây là lần đầu tiên Quảng Ninh đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước; là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015 đến nay) đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số.
Trong năm 2023, thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 55.600 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,1 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu cả nước.
Ngoài ra, GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020, đứng đầu khu vực phía bắc, thứ 2 cả nước.
Không chỉ bứt phá về mặt kinh tế, trong năm 2023, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành phê duyệt Kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu giữ đà tăng trưởng kinh tế 2 con số; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỉ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt trên 13.000 tỉ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỉ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 73%. giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Với kỳ tích 9 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số là bước đệm vững chắc để Quảng Ninh hoàn thành toàn diện nhiệm vụ trong hành trình về đích của nhiệm kỳ 2020-2025, tạo nền tảng phát triển bền vững của giai đoạn 2025-2030 trong tầm nhìn định hướng đến năm 2050.
Đời sống & pháp luật