MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình hình 11 tỉnh thành dự kiến giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp, sáp nhập

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng.

Tình hình 11 tỉnh thành dự kiến giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp, sáp nhập- Ảnh 1.

Ảnh: Quảng Ninh là một trong những địa phương dự kiến không thực hiện sắp xếp, sáp nhập

11 đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp, sáp nhập dự kiến là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tình hình 11 tỉnh thành dự kiến giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp, sáp nhập- Ảnh 2.

Hà Nội 

Năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội Hà Nội đạt kết quả khá toàn diện, với 23/24 chỉ tiêu hoàn thành và vượt so kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, nguồn lực cho đầu tư được huy động và sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, dự kiến đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ 6,27%).

Cân đối thu, chi ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư phát triển được đảm bảo. Tổng thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng, thu nội địa cao kỷ lục.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, tương ứng đạt 19,4 tỷ USD, tăng 16,7% và 41,1 tỷ USD, tăng 9,6%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt gần 549 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%.

Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Công nghiệp và xây dựng tăng 6,21%; nông nghiệp tăng 2,52%, dịch vụ tăng 7,14%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 881 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%. 

Quảng Ninh

Năm 2024, Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn cả từ thiên tai, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,42% với quy mô nền kinh tế ước tính 347,5 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%, du lịch phát triển với 19 triệu lượt khách, và thu ngân sách nhà nước đạt 55.600 tỷ đồng.

Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025 trên 12%, với tổng thu ngân sách dự kiến đạt 57.330 tỷ đồng, thu hút vốn FDI mạnh mẽ. Tỉnh sẽ tập trung vào phát triển du lịch, kinh tế số, và kinh tế xanh để đạt mục tiêu này.

Thanh Hóa

Năm 2024, tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc, với 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 đạt 12,16%, quy mô kinh tế tính theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng.

Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 19,25%; có 17/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt 5,1% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu vượt 4,9% kế hoạch, tăng 23,4%; giá trị nhập khẩu tăng 20,3%.

Tổng lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% (trong đó khách quốc tế ước đạt 719.000 lượt, tăng 16,7%); tổng thu du lịch vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38%; doanh thu vận tải vượt 1,7% kế hoạch, tăng 14,5%...

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 56.735 tỷ đồng, vượt 59,5% dự toán, tăng 31,4% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước. Thu hút FDI có dấu hiệu khởi sắc sau thời gian có dấu hiệu "hụt hơi" so với một số địa phương trong khu vực với 18 dự án tổng vốn đăng ký 422,9 triệu USD.

Nghệ An

Theo Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, với tốc độ tăng trưởng đạt 9,01% năm 2024, tổng quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) đạt hơn 216.943 tỷ đồng.

Lần đầu tiên Nghệ an thu hút được 9.450. triệu lượt khách du lịch, với doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nghệ An đạt 25.517 tỷ đồng, bằng 160,4% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 118,6% cùng kỳ năm 2023 (đứng thứ 17 toàn quốc và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ).

Giải ngân vốn đầu tư công cũng là một điểm sáng của Nghệ An. Tính đến ngày 30/11/2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân 7.166,388 tỷ đồng, đạt 69,65% tổng kế hoạch. Nếu không tính 363,308 tỷ đồng mới giao bổ sung tại Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 01/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân đạt 72,2%.

Hà Tĩnh

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của tỉnh ước đạt 7,48%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 112.855 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 84,86 triệu đồng (3.499,14 USD/người), tăng 8,34% so cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp còn khó khăn nhưng đang dần phục hồi. Tăng trưởng toàn ngành đạt 6,54%; sản lượng bia đạt 83 triệu lít, tăng 19%; điện sản xuất đạt 9,7 tỷ kWh, tăng 19%; sản phẩm mới pack pin của Nhà máy pin VinES sau năm thứ hai vận hành đạt sản lượng cả năm gần 6.000 pack, đạt 60% kế hoạch.

Thu ngân sách ước đạt 17.900 tỷ đồng, đạt 102% dự toán, tương đương năm trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng khá, ước đạt 55.524 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Giải ngân đầu tư công đến ngày 20/11/2024 đạt 5.819 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 61,5% kế hoạch tỉnh giao, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; xuất khẩu duy trì ổn định. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng, tăng 17%; doanh thu ngành du lịch, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 8.538 tỷ đồng, tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ.

Huế

Năm 2024, Huế có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,15%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,1%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 34.000 tỷ đồng, tăng gần 17%. Thu nội địa đạt đến ngày 29/12 đạt 11.336 tỷ đồng trên tổng số thu Ngân sách Nhà nước 12.765 tỷ đồng. Đặc biệt, tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt trên 4 triệu lượt khách. 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%. Lĩnh vực văn hoá - giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế mở rộng và đi vào chiều sâu.

Sơn La

Năm 2024, Sơn La có 25/28 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt trên 36.274 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất công nghiệp ước tăng 19,3%. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; tổng lượng khách đến tỉnh ước đạt 4,9 triệu lượt, tăng 7,5%; doanh thu ước đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm trước. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1.321 tỷ đồng…. Tỷ lệ hộ nghèo ước hết năm 2024 giảm còn 11,17%.

Lạng Sơn

Năm 2024, phát triển kinh tế Lạng Sơn có nhiều điểm sáng, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 25.779 tỷ đồng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 6,01%; quy mô GRDP theo giá hiện hành ước tính đạt 49.736 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,1 triệu đồng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 10.740,8 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước. Về lĩnh vực đầu tư, xây dựng, vốn đầu tư thực hiện năm 2024 ước đạt 24.823 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 tăng nhẹ so với năm 2023, dự ước năm 2024 tăng 0,97%. Công tác chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục được các cấp uỷ, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn được thực hiện thường xuyên, kịp thời, tiếp tục duy trì thực hiện thông quan hàng hóa tại 05 cửa khẩu. Dự ước doanh thu vận tải kho bãi cả năm 2024 đạt 2.532,4 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 32.756,7 tỷ đồng, tăng 14,42%.

Điện Biên

GRDP Điện Biên năm 2024 đạt 16.263,22 tỷ đồng, tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức khá so với các tỉnh cùng khu vực, đứng thứ 6/14 tỉnh cùng khu vực và xếp thứ 18/63 tỉnh, thành cả nước.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng 22,43% so với năm trước, trong đó: sản xuất và phân phối điện tăng 46,96%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,43%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,77% so với năm trước.

Năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng trưởng còn thấp, ước tính đạt 17.318,79 tỷ đồng, giảm 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước năm 2024 đạt 84,87% kế hoạch và giảm 11,27%. Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước tăng 3,57%; chi ngân sách Nhà nước ước tăng 2,98%.

Cao Bằng

Năm 2024, quy mô nền kinh tế Cao Bằng ước đạt 25.204 tỷ đồng, tăng trưởng 6,74% so với năm 2023.

Đại diện Cục Thống kê tỉnh cho hay, khu vực dịch vụ tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong cơ cấu kinh tế với giá trị đạt 14.236 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng quy mô.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5.294 tỷ đồng, tương ứng gần 21% tỷ trọng, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.787 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% trong nền kinh tế.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Cao Bằng đang thể hiện rõ nét, tập trung vào các ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Đặc biệt, ngành du lịch phát triển mạnh mẽ khi đón khoảng 1,6 triệu lượt khách trong năm qua, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của tỉnh.

Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 tăng 6,74%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, với khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh nhất ở mức 9,9%, tiếp đến là dịch vụ với mức tăng hơn 7%.

Lai Châu

Với Lai Châu, GRDP ước tăng 10,52%, đứng thứ 5 cả nước, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (9%). Nhiều chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ như: GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,2 triệu đồng, vượt 9,1% kế hoạch, tăng 8,3% so với năm 2023; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.543,4 tỷ đồng, vượt 21% dự toán Trung ương giao và vượt 14% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 13% so năm 2023; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 8.651,3 tỷ đồng, vượt 9,9% kế hoạch, tăng 34,6% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 9.163,2 tỷ đồng, đạt kế hoạch, tăng 10,6% so với năm 2023;...

Sản xuất nông nghiệp được duy trì và cơ bản đảm bảo mùa vụ, đa số các chỉ tiêu về sản lượng nông nghiệp tăng so với năm trước, giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp 4,7%. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Công tác bảo vệ, chăm sóc và trồng mới rừng được chỉ đạo quyết liệt, diện tích rừng trồng mới ước đạt 2.208 ha, tỷ lệ che phủ rừng nâng lên 52,86%.

Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM