MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ là đầu mối giao thương với thị trường Campuchia và ASEAN

Dân số toàn tỉnh hiện gần 2,16 triệu người, đứng thứ 6 cả nước; có 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm cùng sinh sống lâu đời.

Tổng quan quy hoạch An Giang

An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Đây là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Sông Cửu Long.

Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.536km2; có gần 100km đường biên giới giáp vương quốc Campuchia, với 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương, 2 cửa khẩu quốc gia Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông.

Theo "Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", mục tiêu đến năm 2030 An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia.

Có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

Tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ là đầu mối giao thương với thị trường Campuchia và ASEAN- Ảnh 1.

Trung tâm TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: Internet

Về kinh tế, An Giang phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 20,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25,0%; khu vực dịch vụ khoảng 50,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 5,0%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng. Kinh tế số đạt trên 20% GRDP.

Về xã hội, dân số tăng bình quân 0,9%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 39%. Tỷ lệ đô thị hóa trên 50%.

Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Các đột phá phát triển của tỉnh

Để tạo ra các đột phá phát triển, tỉnh xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số.

Tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ là đầu mối giao thương với thị trường Campuchia và ASEAN- Ảnh 2.

An Giang có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Đảng bộ An Giang

Cùng với đó, tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.

Ngoài ra, An Giang cần đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số (trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

3 vùng kinh tế - xã hội và 3 hành lang kinh tế

Nhằm thực hiện tốt quy hoạch, An Giang xác định 3 vùng kinh tế trọng điểm. Vùng trung tâm là vùng kinh tế động lực của tỉnh, bao gồm: Thành phố Long Xuyên, huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn. Trong đó, thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế: thương mại, dịch vụ, du lịch, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics; phát triển công nghiệp tập trung tại huyện Thoại Sơn và huyện Châu Thành.

Tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ là đầu mối giao thương với thị trường Campuchia và ASEAN- Ảnh 3.

Đồi Tà Pạ với tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp và tâm linh. Nguồn: An Giang Online

Vùng kinh tế - xã hội phía Đông bao gồm Thị xã Tân Châu và các huyện: An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, tập trung sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hàng hóa quy mô lớn của tỉnh; các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, trung chuyển hàng hóa với thị trường Vương quốc Campuchia (qua cửa khẩu Vĩnh Xương và Khánh Bình).

Vùng kinh tế - xã hội phía Tây bao gồm Thành phố Châu Đốc là trung tâm và thị xã Tịnh Biên, các huyện Tri Tôn, Châu Phú. Là trung tâm du lịch, văn hóa tâm linh cấp quốc gia, du lịch sông nước, cảnh quan; dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo; trung tâm kinh tế biên giới của tỉnh; đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa với thị trường Vương quốc Campuchia (qua cửa khẩu Tịnh Biên); liên kết chặt chẽ với các đô thị dọc hành lang cao tố Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các đô thị trên tuyến hành lang kinh tế biên giới.

Các hành lang kinh tế của tỉnh sẽ gồm Hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên (thuộc hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), Hành lang biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (thuộc hành lang biên giới từ tỉnh Long An đến tỉnh Kiên Giang) và Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu.

Theo Pha Lê

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên