MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh miền Trung sắp đón 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư đang có tình hình kinh tế phát triển ra sao?

Thông tin tại họp báo mới đây, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, sắp tới, tỉnh dự kiến sẽ ký kết 21 biên bản ghi nhớ hợp tác, tổng mức đầu tư trên 200.000 tỷ đồng với các nhà đầu tư tiềm năng.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh dự kiến sẽ diễn ra từ 26 - 28/5 (bao gồm các hoạt động bên lề) tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với chủ đề " Hà Tĩnh – Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng ". Chương trình chính của hội nghị dự kiến sẽ diễn ra sáng 28/5.

Thông tin tại họp báo, ông Phan Thành Biển -  Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh các dự án tầm cỡ như VSIP, Vingroup, Sun Group… đang triển khai trên địa bàn, tỉnh dự kiến sẽ ký kết 21 biên bản ghi nhớ hợp tác, tổng mức đầu tư trên 200.000 tỷ đồng với các nhà đầu tư tiềm năng.

Kinh tế Hà Tĩnh phát triển ra sao trong thời gian qua?

Hà Tĩnh là một trong sáu tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam. So với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng song Hồng, Hà Tĩnh có vị trí địa lý đặc biệt và giao thông thuận lợi, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các trung tâm kinh tế lớn trên trục Bắc - Nam và Đông - Tây; kết hợp với một số lợi thế về điều kiện sản xuất và cảnh quan thiên nhiên của địa phương, Hà Tĩnh có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp và các loại dịch vụ công nghệ chất lượng cao.

Về phát triển kinh tế, trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh tương đối nghèo của Việt Nam trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, GRDP Hà Tĩnh tăng trưởng rất cao trong giai đoạn 2011-2015, với mức tăng trưởng bình quân đạt 16,5%/năm. Sang đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,9%, năm 2018 đạt 20,85% và năm 2019 đạt 9,44% (là một trong các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của địa dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh chỉ đạt 0,53%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 4,55%/năm.

Theo số liệu của Cục Thống kê địa phương về tình hình kinh tế năm 2022, GRDP Hà Tĩnh theo giá so sánh tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước. Sang đến quý I/2023, GRDP của tỉnh ghi nhận tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2022.

Tỉnh miền Trung sắp đón 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư đang có tình hình kinh tế phát triển ra sao? - Ảnh 1.

Nguồn: Cục Thống kê Hà Tĩnh

Trong số các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp - xây dựng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Theo đánh giá của UBND Hà Tĩnh, đây là ngành có triển vọng phát triển nhanh trong thời gian tới. Trong thời kỳ 2011-2020, ngành công nghiệp - xây dựng đóng góp lớn nhất vào gia tăng GRDP với mức tăng trưởng 19,1%/năm (riêng công nghiệp tăng 28,15%/năm), kế tiếp là ngành dịch vụ (6,25%/năm) và nông nghiệp (3,73%/năm).

UBND Hà Tĩnh đánh giá, nhìn chung, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh đang chuyển dịch từ chủ yếu từ vốn sang tăng trưởng từ sản xuất công nghiệp. Nếu so sánh với các tỉnh Bắc Trung Bộ giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh trong các năm đều đứng đầu (trừ năm 2016 và năm 2020). Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10,3%/năm, cao hơn nhiều so với với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5% của cả nước trong cùng kỳ. 

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, luỹ kế đến cuối năm 2022, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó nhiều nhất là Đài Loan. Hiện nay, có 80 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 12 tỷ USD.

Tính riêng trong năm 2022, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD. Đã kết nối, xúc tiến dự án với các nhà đầu tư lớn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục đầu tư, phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 22/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đặt mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước.

Về tăng trưởng kinh tế, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 9%/năm. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%.

GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4,0 tỷ USD. Năng suất lao động tăng 11,3%/năm. Mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14 - 15%/năm, tỷ lệ thu ngân sách bình quân so với GRDP là 27%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 750 - 800 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2050, Hà Tĩnh đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh.

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên