Tỉnh nào ở ĐBSCL may mắn chưa bị dịch tả heo “tấn công”?
Ngày 10-6, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã đồng ý công bố dịch tả heo châu Phi trên toàn tỉnh.
- 08-06-2019Giá thịt heo ở Sài Gòn đang tăng chóng mặt
- 06-06-2019Cơ hội thay đổi thói quen dùng thịt
- 05-06-2019Lo Tết thiếu thịt, vì sao doanh nghiệp còn e ngại không tham gia cấp đông thịt lợn?
Đây là quyết định được đưa ra sau khi nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh và các địa phương báo cáo diễn biến tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi tại buổi họp trực tuyến diễn ra vào sáng cùng ngày.
Buổi họp trực tuyến của UBND tỉnh An Giang
Báo cáo tại buổi họp, bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên của tỉnh xảy ra tại địa bàn TP Long Xuyên vào ngày 22-5, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Theo đó, bên cạnh việc tiêu hủy heo bị nhiễm, ngành nông nghiệp cũng đã tiến hành nhiều biện pháp phòng ngừa.
Ngoài việc cấp phát 17.000 tài liệu, 1.000 tờ áp phích, cấp 7.500 lít hóa chất để khử trùng, còn nhanh chóng thành lập các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu...
Tuy nhiên, do diễn biến bệnh phức tạp, địa hình sông rạch chằng chịt... đã khiến cho công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Cộng vào đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao... đã tiếp tay cho bệnh lây lan. Tính đến nay, toàn tỉnh có 13 điểm với 396 con heo nhiễm bệnh tại 7 địa phương, gồm: TP Long Xuyên và 6 huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn và Chợ Mới.
Sau khi nghe lãnh đạo ngành nông nghiệp và các địa phương báo cáo diễn biến tình dịch tả heo châu Phi, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (chủ trì cuộc họp trực tuyến) đã đồng ý công bố dịch trên toàn tỉnh và giao cho bộ phận chuyên môn soạn thảo văn bản để trình lãnh đạo UBND tỉnh ký chính thức ngay trong ngày 10-6.
Văn bản của Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu
Cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cũng có công văn thông báo chương trình khảo sát, kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng ngừa, ngăn chặn lây lan dịch tả heo châu Phi trên địa bàn các huyện Hòa Bình, Phước Long và Hồng Dân. Buổi khảo sát sẽ do ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Thời gian khảo sát là vào chiều 11-6.
Trong khi đó, trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi ngày càng lan rộng ở tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT vừa quyết định xuất hoá chất dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh phòng chống dịch bệnh này.
Theo đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu Công ty CP Thuốc Thú y Trương ương NAVETCO xuất cấp không thu tiền 15.000 lít hoá chất Benkocid thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Đồng Tháp.
Số liệu báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho thấy, hiện toàn tỉnh đã có hơn 150 hộ chăn nuôi ở 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Tổng khối lượng heo tiêu hủy gần 220.000 kg.
Như vậy, tính đến nay, trong 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL chỉ còn 2 tỉnh là Bến Tre và Long An là chưa bị dịch tả heo châu Phi "tấn công".
Người lao động