Tỉnh thu du lịch 620 triệu USD/năm muốn lên TP trực thuộc trung ương, đã chuẩn bị đến đâu?
Tỉnh này đã đặt ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 59,3%, đến năm 2030.
Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2023, trong giai đoạn 2021 - 2030, Lâm Đồng sẽ thành tỉnh phát triển khá toàn diện , xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm Đông Nam Á.
Đến năm 2030, Lâm Đồng mong muốn trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Trong đó, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế; trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện. Ngoài ra, khu vực ngoại thành là một số thị trấn huyện lỵ và thị trấn thuộc huyện giữ vai trò là trung tâm huyện hoặc trung tâm các xã hoặc các cụm xã.
Năm 2023, Lâm Đồng đón hơn 8,6 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023). Doanh thu từ du lịch năm 2023 của Lâm Đồng là hơn 15.500 tỷ đồng, tương đương 620 triệu USD.
Đến nay, toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính được công nhận cấp đô thị, bao gồm 1 đô thị loại 1, 1 đô thị loại 3, 1 đô thị loại 4 và 12 đô thị loại 5. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40,2%, cao hơn tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước 39,5%, theo Báo Lâm Đồng .
Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Nhiều tuyến đường đô thị, đường vành đai tại các đô thị được xây dựng, nâng cấp đã góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực.
Các vấn đề hạ tầng khác như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng đô thị... đều có những chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng.
Hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao du lịch, thương mại và dịch vụ... tại các đô thị được quan tâm đầu tư.
Nhiều địa phương đã triển khai các chương trình trồng mới, trồng bổ sung, bảo tồn cây xanh nhằm hướng đến xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
Chất lượng sống tại đô thị đã từng bước được nâng cao. Điều này được minh chứng diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 24,5 m2/người (tại nông thôn là 22,5 m2/người).
Tỷ lệ thất nghiệp và hộ nghèo ngày càng giảm. Sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Lâm Đồng hướng đến đô thị hiện đại, văn minh
Những kết quả trên có sự đóng góp một phần rất quan trọng của hệ thống các quy định pháp luật, hành lang pháp lý về quản lý phát triển đô thị được nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện, đã giải phóng, đa dạng hóa nguồn lực;
Nhất là nguồn lực của xã hội, giúp thu hút đầu tư phát triển đô thị, định hướng các mô hình phát triển, phát huy tính chủ động của các cấp chính quyền ở đô thị.
Hệ thống đô thị tỉnh Lâm Đồng đang phát triển theo yêu cầu đề ra và cơ bản hình thành các vùng đô thị liên kết phát triển góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
Cuối tháng 7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh theo hướng bền vững, năng động để hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới đồng bộ gắn với tiềm năng, thế mạnh từng vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Và hướng đến đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng từng địa phương, có tính cạnh tranh cao trong vùng và khu vực.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt 59,3% ; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP toàn tỉnh khoảng 85%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 2,0 - 2,5%; diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2 sàn/người.
Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị tại đô thị loại 1, loại 2 đạt khoảng 18 - 20% trở lên, đô thị loại 3, loại 4 đạt khoảng 15 - 18%, đô thị loại 5 đạt khoảng 12 - 15%...
Và phổ cập dịch vụ ứng dụng mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.
Nhịp sống thị trường