Tổ chức quốc tế đồng loạt kêu gọi các nước giàu ủng hộ 50 tỷ USD để tiêm vaccine toàn cầu
“Rõ ràng thế giới sẽ không thể phục hồi trên diện rộng nếu cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này không chấm dứt. Tiếp cận vaccine Covid-19 là chìa khóa cho cả hai bên"...
- 31-05-2021Câu chuyện đằng sau loại vaccine Covid-19 hiệu quả nhất thế giới: Ý tưởng 3 thập kỷ và niềm hy vọng lớn nhất của toàn nhân loại vào lúc này
- 28-05-2021Hàng triệu liều vaccine Covid-19 mòn mỏi đợi trong kho khiến cả thành phố đau đầu
- 27-05-2021Lý do khiến Ấn Độ - “Nhà thuốc của Thế giới” lại thiếu vaccine Covid-19
Lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa đồng loạt kêu gọi các nước giàu tài trợ 50 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn cầu, giúp chấm dứt đại dịch chưa từng có trong lịch sử.
Nhóm nhà lãnh đạo của 4 tổ chức kinh tế và y tế hàng đầu thế giới cho rằng các nước giàu cần hành động trước khi Covid-19 có cơ hội lan rộng tại các quốc gia chưa được tiêm vaccine và phát triển thành các biến thể mới nguy hiểm hơn.
Theo CNBC, trong thư gửi các tòa soạn báo trên khắp thế giới tuần này, nhóm trên nhấn mạnh rằng thế giới đang chia rẽ theo hai hướng. Thứ nhất là các nước giàu đang tiến tới tiêm vaccine Covid-19 cho hầu hết dân số. Thứ hai là các nước nghèo hơn với chưa tới 1% dân số được tiêm vaccine và đang bị “bỏ lại phía sau”.
“Trong khi một số nước giàu đang thảo luận về việc triển khai tiêm mũi vaccine thứ hai cho người dân, thì đại đa số người dân ở các nước đang phát triển - thậm chí cả những nhân viên y tế tuyến đầu - vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên”, bức thư có chữ ký của Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch WB David Malpass và Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala viết.
Đến nay đã có hơn 700 triệu liều vaccine được tiêm trên toàn cầu, nhưng hơn 87% trong số này tập trung ở các quốc gia có thu nhập cao hoặc trung bình cao, và chỉ 0,2% ở các nước thu nhập thấp.
“Rõ ràng thế giới sẽ không thể phục hồi trên diện rộng nếu cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này không chấm dứt. Tiếp cận vaccine là chìa khóa cho cả hai bên”, nhóm các nhà lãnh đạo cho biết.
Nhóm này cũng nhấn mạnh rằng 50 tỷ USD giúp nhanh chóng chấm dứt đại dịch sẽ tạo ra thêm 9.000 tỷ USD giá trị kinh tế trên toàn cầu vào năm 2025. Số tiền này sẽ được phân bổ vào việc nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng và vận chuyển bộ kít xét nghiệm, oxy, thuốc điều trị, vật tư y tế và vaccine Covid-19.
“Hợp tác về thương mại cũng là điều cần thiết để đảm bảo dòng chảy tự do qua biên giới và tăng nguồn cung cấp nguyên liệu thô cũng như vaccine thành phẩm”, bức thư viết. “Số tiền này là khoản đầu tư khiêm tốn so với hàng nghìn tỷ USD mà các quốc gia chi cho những gói kích thích kinh tế trong nước và hàng nghìn tỷ USD giá trị kinh tế bị thất thu”.
Tuần trước, WHO cho biết châu Phi cần ít nhất 20 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong vòng 6 tuần tới để tiêm lần hai cho những người đã được tiêm mũi đầu tiên. Hiện tại, châu Phi chỉ chiếm 1% tổng số vaccine đã được tiêm trên toàn cầu và cần thêm 200 triệu liều vaccine nữa (bất kể loại nào) để tiêm cho 10% dân số châu lục vào tháng 9 tới.
“Đến nay đã có hơn 700 triệu liều vaccine được tiêm trên toàn cầu, nhưng hơn 87% trong số này tập trung ở các quốc gia có thu nhập cao hoặc trung bình cao, và chỉ 0,2% ở các nước thu nhập thấp”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết tại một cuộc họp báo hồi tháng 5.
Nhiều quốc gia hiện phải phụ thuộc vào cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vaccine Covid-19 (COVAX) để có vaccine. WHO và các đối tác của COVAX hy vọng có thể hỗ trợ tiêm vaccine cho 30% dân số tại tất cả các quốc gia trên thế giới vào cuối năm 2021 nếu có đủ ngân sách.
“Tỷ lệ này có thể đạt 40% nếu có thêm các thỏa thuận và đầu tư, và đạt ít nhất 60% vào giữa năm 2022”, WHO cho biết.
VnEconomy