Tòa án EU tuyên bố Uber không phải là ứng dụng, còn Việt Nam thì sao?
Ngày 21.12, Toà án Công lý Châu Âu (ECJ) - Tòa án Tối cao của Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố trong một phán quyết mang tính bước ngoặt rằng Uber nên được phân loại như một Cty dịch vụ vận tải và được quản lý giống như các hãng taxi khác. Trong khi đó, tại Việt Nam, câu chuyện này chưa hoàn toàn ngã ngũ.
- 21-12-2017Châu Âu ra phán quyết Uber là công ty taxi, không phải ứng dụng
- 20-12-2017Hai năm thí điểm Uber, Grab: Sắp có quy định mới
- 20-12-2017Tranh cãi nảy lửa về Uber, Grab
Bước ngoặt mới trong cuộc chiến pháp lý của taxi công nghệ
Sau 3 năm, Toà án Công lý Châu Âu (ECJ) ra phán quyết: “Dịch vụ do Uber kết nối cá nhân với các tài xế không chuyên nghiệp được xếp vào dịch vụ trong lĩnh vực vận tải. Do đó, các quốc gia thành viên có thể điều chỉnh các điều kiện để cung cấp dịch vụ đó”.
Phán quyết này được nhận định có tác động lớn trong cuộc chiến pháp lý mà Uber khăng khăng khẳng định rằng họ chỉ là một ứng dụng kỹ thuật số đơn giản hoạt động trong vai trò trung gian giữa các tài xế và hành khách đang có nhu cầu di chuyển và hãng chỉ cần tuân thủ các quy định của EU đối với các công ty dịch vụ trực tuyến.
Cuộc chiến này khởi nguồn 3 năm trước, khi một hiệp hội lái xe taxi chuyên nghiệp ở Barcelona đệ đơn khiếu nại hoạt động của Uber tại Tây Ban Nha là cạnh tranh không lành mạnh. Để kết thúc vụ việc, tòa án phải định ra Uber có cung cấp các dịch vụ thông tin xã hội hay dịch vụ vận tải.
Kể từ khi ra mắt năm 2011, Uber đã biển đối ngành công nghiệp taxi, cho phép hành khách dễ dàng gọi xe thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hiện hãng đang hoạt động tại hơn 600 thành phố trên toàn thế giới. “Phán quyết này sẽ không gây ra thay đổi ở hầu hết các quốc gia Châu Âu nơi chúng tôi hoạt động tuân theo luật vận tải” - Reuters dẫn lời phát ngôn viên Uber. Trước phán quyết của ECJ, hồi tháng 9, Uber đã bị mất giấy phép hoạt động tại thị trường quan trọng nhất ở Châu Âu - thủ đô London (Anh).
Liên minh Vận tải đường bộ quốc tế (IRU) đã hoan nghênh phán quyết như động thái tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà cung cấp dịch vụ tương tự. Ông Oleg Kamberski - người đứng đầu bộ phận vận tải hành khách tại IRU - nói: “Trong lĩnh vực mang tính lưu động, taxi và xe cho thuê là một trong những bộ phận đầu tiên chấp nhận đổi mới và công nghệ mới. Cần tìm ra giải pháp cho phép cả các nhà cung cấp dịch vụ vận tải truyền thống và mới cạnh tranh một cách công bằng trong khi vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ là điều cần thiết”.
Theo Reuters, phán quyết của Tòa án EU dường như không tác động trực tiếp đến các hoạt động của Uber tại Châu Âu mà thay vào đó có thể ảnh hưởng đến các DN kinh doanh trực tuyến khác tại đây, nhất là các Cty mới khởi nghiệp thế hệ tiếp theo. Ông Jakob Kucharczyk - thành viên cấp cao tại Hiệp hội Công nghiệp Truyền thông và Máy tính (CCIA) có trụ sở tại Brussels - cho biết: “Đây là một đòn chí mạng cho tham vọng của EU trong việc xây dựng một thị trường kỹ thuật số đơn nhất”.
Phán quyết nào cho Uber tại Việt Nam?
Không chỉ tại Châu Âu, câu chuyện quanh Uber cũng nóng tại Việt Nam khi mà ngày 19.12 vừa qua Bộ GTVT đã họp tổng kết 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT). Tuy nhiên, hội nghị mới dừng lại ở việc tổng hợp ghi nhận ý kiến các bên để rà soát, sửa đổi hành lang pháp lý liên quan tới loại hình taxi này và câu hỏi Uber có phải là DN vận tải vẫn chưa có câu trả lời thật sự rõ ràng.
Về phần mình, ông Tom White - GĐ Uber Việt Nam - khẳng định Uber là một Cty công nghệ, không phải Cty vận tải và cho biết sẽ cố gắng tuân thủ các quy định và sẽ có nhiều buổi làm việc với Sở GTVT TP.Hà Nội và TPHCM trong thời gian tới. Trong khi đó, ý kiến của các bên liên quan về câu chuyện này còn khá trái chiều.
Quanh câu chuyện Uber là ứng dụng hay taxi, đại diện Sở GTVT TPHCM và TP.Hà Nội đều nhận định Uber giống taxi hơn và phải được quản lý như taxi.
Còn theo ông Khuất Việt Hùng, cần phải xác định rõ bản chất của dịch vụ Uber không phải Cty công nghệ, vì taxi công nghệ quyết định giá, chính sách tiếp thị, khuyến mãi và đề nghị làm rõ chủ thể cung cấp dịch vụ vận tải.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, sự phân biệt giữa các loại hình kinh doanh rất mong manh và Bộ GTVT cần phối hợp với các bộ, ngành để làm rõ những vấn đề này đồng thời kiến nghị Bộ GTVT nên ưu tiên sửa Luật Giao thông Đường bộ trước Nghị định 86 vì nghị định buộc nằm dưới luật, đồng thời cần xem xét bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh taxi như hạn chế số lượng, huấn luyện lái xe…
Đánh giá về chương trình thí điểm nói chung và taxi công nghệ nói riêng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng chương trình thí điểm cho thấy cái được cũng như cái chưa được của loại hình này và hiện hành lang pháp lý quanh taxi công nghệ còn chưa đầy đủ để quản lý.
Tuy nhiên, ông Thọ khẳng định, không thể phủ nhận được lợi ích của công nghệ và nếu cứ nhìn vào mặt trái thì không phát triển được. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan quản lý đang trăn trở tìm hành lang pháp lý để tìm hiểu cơ chế quản lý, thúc đẩy phát triển đảm bảo bình đẳng công khai nhưng phải mở cửa. Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương đã thực hiện chương trình thí điểm cần có báo cáo tổng kết, trong đó có kiến nghị, đề xuất về số lượng xe vận tải hành khách theo hợp đồng gửi về Bộ GTVT trong tháng 12.2017 và giao Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cần tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, đồng thời đề nghị các đơn vị cần tập trung sửa đổi Nghị định 86, làm rõ điều kiện kinh doanh giữa xe hợp đồng và xe taxi, đồng thời yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ làm rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp; các vấn đề trên càng minh bạch, rõ ràng thì càng dễ dàng trong quản lý.
Lao động