Toàn cảnh Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (TP.HCM) 15.000 tỷ đồng lỡ hẹn Sea Games 31 nhìn từ trên cao
Dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc (quận 2) được tái khởi động sau 20 năm đắp chiếu để phục vụ kế hoạch đăng cai SEA Games 31 đang thổi "làn gió mới" vào thị trường BĐS khu Đông. Tuy nhiên, do tiến độ triển khai xây dựng khá chậm, nên TP.HCM mới đây đã có quyết định xin rút không đăng cai tổ chức SEA GAMES 31.
Thời gian qua, UBND TP.HCM đã có các buổi làm việc với Công ty Bouygues Batiment International liên quan đến dự án sân vận động 50.000 chỗ ngồi tại Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc. Đây là dự án quan trọng trong đề án đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA GAMES 31) của TP.HCM.
Sân vận động này sẽ có quy mô hiện đại nhất nước với 50.000 chỗ ngồi (sân Mỹ Đình chỉ có 40.000 chỗ). TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ giải tỏa mặt bằng ở khu Rạch Chiếc và dự kiến đến hết quý 1/2018 sẽ lấy được toàn bộ mặt bằng để có thể đi vào xây dựng.
TP.HCM cũng đã xin Chính phủ cơ chế đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vì ở Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc còn phải xây dựng 3 công trình lớn khác mà quỹ tài chính của thành phố không thể đáp ứng nổi, gồm sân đua xe đạp lòng chảo, Nhà thi đấu Thái Sơn Nam, học viện bóng đá.
Hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đã được xây dựng khá đồng bộ...
Tuy nhiên, bên trong dự án lại còn rất hoang hoá, vẫn còn tồn tại nhiều hộ dân chưa di dời được, đường kết nối vào các trục chính đang đầu tư dang dở.
Được biết, Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc có chủ trương đầu tư từ năm 1994. UBND TP.HCM quyết định xây dựng dự án với quy mô 222 ha. Trong đó, 180 ha sẽ dùng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật. Phần còn lại sẽ dành cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu đầu tư vào công trình phức hợp nằm trong khuôn viên của Khu liên hợp.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, nơi đây vẫn là khu đầm lầy, mênh mông là ao hồ do người dân khai thác nuôi trồng thủy sản. Theo UBND TP.HCM, tổng vốn đầu tư toàn bộ khu liên hợp lên đến gần 15.000 tỷ đồng, trong đó phải đầu tư 12 hạng mục chính với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng lên đến hơn 8.000 tỉ đồng.
Toàn cảnh khu thể thao nhìn từ trên cao.
Hạng mục đường dẫn và sân vận động đang được xây dựng.
Được biết, đã có hai nhà đầu tư xin tự ứng vốn đầu tư khi xây dựng phương án thiết kế, trong đó có một doanh nghiệp sẽ ứng 7.000 tỷ đồng cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Theo tiến độ, việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ mất gần hết năm 2018 và công trình chỉ có thể khởi công vào đầu năm 2019.
Tuy nhiên, theo quan sát, ngoài việc san lắp mặt bằng khu vực xây sân vận động 50.000 chỗ ngồi, phần diện tích còn lại của dự án vẫn còn là ao hồ, cây xanh và hơn 10 hộ dân vẫn còn "bám trụ" do chưa đạt được thoả thuận mức đền bù.
Phần lớn diện tích dự án là ao ruộng.
Khu vực trung tâm sẽ được xây dựng sân vận động 50.000 chỗ ngồi.
Bốn bề khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc là ao hồ và đồng ruộng.
Những con đường dẫn vào dự án vẫn còn khá dang dở.
Hiện nay, để chủ động trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và đảm bảo phù hợp với khả năng, tiến độ huy động vốn, TP.HCM đã tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn khu liên hợp thành tiểu dự án riêng và kêu gọi đầu tư theo từng hạng mục công trình.