MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tốc độ giao hàng giảm mạnh hậu Covid-19, cơ hội nào cho các 'ông lớn' TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada?

Mới đây, iPrice Group kết hợp cùng Parcel Monitor đã công bố khảo sát "Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động giao vận". Theo đó, thời gian giao hàng thương mại điện tử tại các quốc gia Đông Nam Á đã chậm gần 1 ngày trong giai đoạn giãn cách xã hội, ở mức trung bình 2,8 ngày/đơn hàng.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, lĩnh vực thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á đã trở thành một ngành dịch vụ thiết yếu. Trên thực tế, ở Việt Nam, lượt truy cập các nền tảng thương mại điện tử đã tăng lên đáng kể trong quý 2/2020, trong đó Shopee với 52,5 triệu lượt, theo sau là Tiki, Lazada và Sendo.

Song, theo iPrice Group và Parcel Monitor, các doanh nghiệp giao vận phải đối mặt với nhiều thách thức khi dịch bệnh đã làm gián đoạn hoạt động logistics, khiến các mặt hàng thiết yếu khó có thể tới tay người tiêu dùng kịp lúc.

Báo cáo cho biết, trung bình trong giai đoạn giãn cách xã hội, thời gian giao hàng thương mại điện tử tại các quốc gia Đông Nam Á tăng thêm 52%, tương đương với việc chậm đi gần 1 ngày, trung bình đạt 2,8 ngày/đơn hàng.

Theo đó, Malaysia phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thời gian giao hàng trung bình cho mỗi đơn tăng từ 2,1 ngày lên đến 4,6 ngày. Đối với Indonesia, con số này lên đến 3 ngày. Các quốc gia như Thái Lan và Singapore phải chịu ít ảnh hưởng hơn, tuy nhiên thời gian giao hàng trên sàn thương mại điện tử cũng tăng 0,2 ngày/đơn hàng. Nhìn chung, thời gian vận chuyển mỗi đơn hàng trong toàn bộ khu vực tăng từ 1,8 ngày lên đến 2,8 ngày.

Lý giải về điều này, đồng sáng lập và CEO Ninja Van, ông Lai Chang chỉ ra do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng nhanh khiến cho lượng bưu kiện cần chuyển phát tăng theo. Đồng thời, nhu cầu mua sắm trong giai đoạn cũng thay đổi khi người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những thực phẩm đóng hộp số lượng lớn, thiết bị nhà bếp, thiết bị văn phòng. Thêm vào đó, nhân viên chuyển phát cũng phải giảm giờ làm để đảm bảo giãn cách xã hội.

Theo Parcel Monitor, số lượng khiếu nại của khách hàng về việc thất lạc bưu kiện cũng như số cuộc gọi đến dịch vụ khách hàng tăng mạnh giai đoạn tháng 4 và tháng 5.

Để giải quyết những thách thức trên, các nền tảng thương mại điện tử đã lựa chọn sử dụng mạng lưới tủ khóa bưu điện. Đây là công cụ đảm bảo tốc độ giao hàng cũng như giảm thiểu việc tiếp xúc giữa nhân viên giao hàng và khách hàng.

Tại Việt Nam, từ năm 2019, sàn thương mại điện tử Lazada hợp tác cùng iLogic SmartBox đã đặt hơn 50 tủ khóa thông minh tại Hà Nội và TP. HCM. Nhà sáng lập, CEO công ty vận chuyển Parcel Perform, Tiến sĩ Arne Jeroschewski nhấn mạnh: "Đây sẽ là một xu hướng ngày càng phổ biến tại ASEAN khi dịch vụ logistics thương mại điện tử tiếp tục phát triển".

Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện đang có các giải pháp công nghệ riêng nhằm tăng nhanh năng suất để giải quyết vấn đề nhu cầu nhân lực ngày càng tăng.

Cuối năm 2019, công ty chuyển phát nhanh GHN đã khai trương chương trình tự động hóa quá trình phân loại hàng tại TP. HCM. Công ty cũng khẳng định, chương trình này sẽ giúp giảm tới 75% nhu cầu về nhân lực. Viettel Post cũng ra mắt ứng dụng gọi xe và giao hàng trực tuyến MyGo từ tháng 7/2019, nhằm tập trung vào thị trường giao nội tỉnh phục vụ thương mại điện tử.

Cuối cùng, ông Arne Jeroschewski kết luận: "Trong thời gian tới, nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ còn tiếp tục gia tăng. Do vậy, các công ty mới trong ngành logistics sẽ có nhiều cơ hội để tận dụng sự tăng trưởng của thương mại điện tử".

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên