Tốc độ tăng giá đất vùng ven “vượt mặt” đất nội đô
ảnh minh họa.
Mấy năm trở lại đây, vùng ven Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng “sốt đất” khiến giá đất những khu vực này cao ngất ngưởng. Hiện nay, có khu vực giá đã cao ngang ngửa đất nội thành, thậm chí là hơn.
- 14-04-2022Tâm lý giới đầu tư thế nào trước động thái “siết chặt” của thị trường BĐS?
- 14-04-2022Dự chi 670 tỉ để để giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu
- 14-04-2022Thị trường bất động sản sẽ diễn biến thế nào trong quý 2
Thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội mấy năm trở lại đây liên tục sốt cao. Đặc biệt là giá đất tại các huyện sắp lên quận như là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng những năm gần đây liên tục tăng nóng.
Theo khảo sát tại huyện Gia Lâm, lô đất thổ cư tại xã Đông Dư nằm ở mặt đường của thôn có diện tích 50m2, trước Tết được rao bán ở mức 2 tỷ đồng, tương đương 40 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 2,2 tỷ đồng, tương đương 44 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, giá đất thuộc khu vực Trâu Quỳ (Gia Lâm) ở thời điểm hiện tại có thể lên tới hơn 200 triệu đồng/m2, dao động ở mức trung bình từ 80 - 90 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng cách đây mấy năm được chào giá từ 100-120 triệu đồng/m2 nay giá rao bán là 180 - 220 triệu đồng/m2.
Đất mặt tiền Kiêu Kỵ, đường rộng hai ô tô tránh nhau, giá chào bán 40 -70 triệu đồng/m2, tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2019.
Tại các xã lân cận như Đông Dư, Đa Tốn, Đặng Xá, giá đất cũng từ 40-50 triệu đồng/m2, tương đương tăng gấp đôi cách đây 3 năm.
Trong khi đó, khu vực tuyến phố Thạch Cầu (quận Long Biên), người dân cho biết giá đất đang có dấu hiệu tăng nóng, chênh khoảng 20 - 55 triệu đồng/m2 so với hồi cuối năm 2021.
Tại huyện Đông Anh, giá đất thổ cư nằm ở mặt ngõ rộng khoảng 2,5m dao động từ 25 - 35 triệu đồng/m2. Những mảnh đất nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m, ô tô có thể di chuyển vào được dao động từ 45 - 55 triệu đồng/m2. Đặc biệt, những mảnh đất nằm ở đường lớn, mức giá đã dao động từ 100 - 150 triệu đồng/m2, tùy vị trí, ngang ngửa với những vị trí đẹp tại trung tâm Hà Nội.
Tại thị trường bất động sản tại Thanh Trì khi đón nhận thông tin lên quận đã có sự gia tăng, giá đất Thanh Trì tại khu vực xung quanh tăng ở mức 10 - 20% theo từng năm.
Khảo sát cho thấy, giá đất trung bình tại Thanh Trì dao động trong khoảng từ 60 – 70 triệu đồng/m2 và thay đổi tùy theo từng vị trí.
Nóng nhất phải kể tới là tại khu vực trung tâm huyện Thanh Trì, tại các nơi mặt đường Ngọc Hồi – Văn Điển có mức giá bán dao động từ 80 triệu đến 135 triệu đồng/m2. Giá nhà đất được rao với giá cao ngất ngưởng, thậm chí giá còn ngang ngửa với đất trong nội thành Hà Nội.
Tại huyện Hoài Đức, giá đất có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính tăng khoảng 30 - 40% so với thời điểm 1 - 2 năm trước. Cụ thể, giá đất thổ cư ở nhiều khu vực Hoài Đức khoảng 17-20 triệu/m2. Riêng giá đất tại ngã tư Sơn Đồng, dao động từ 100 – 150 triệu đồng/m2. Đất tại Vân Canh có giá từ 18-25 triệu đồng/m2 trong ngõ và đang ở mức 30 triệu đồng/m2 dành cho đất ở một số con phố lớn.
Thực tế, nếu so sánh giá đất tại một số khu vực “nóng” ở vùng ven hiện đã tương đương hoặc cao hơn so với giá đất khu vực kinh doanh nội thành Hà Nội. Đơn cử, mảnh đất nằm gần ngã 4 Trung Hòa - Trần Duy Hưng có diện tích 60m2, đường trước nhà 2 ô tô tránh thoải mái, đang được rao bán với mức giá 6 tỷ đồng, tương đương 100 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo quý I/2022 của batdongsan.com.vn, giá rao bán đất thổ cư tăng đồng loạt tại các huyện vùng ven Hà Nội như Chương mỹ (74%), Quốc Oai (26%), Gia Lâm (21%), Đông Anh (20%),...
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, giá đất nền nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội tăng 10 – 20% so với đầu năm 2021. Giá đất huyện Đông Anh ở các xã Xuân Canh, Uy Nỗ, Đông Hội, Vĩnh Ngọc thiết lập mặt bằng giá từ 40 – 150 triệu đồng/m2.
Giá đất nền các tỉnh tăng 10 – 20% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt những nơi mặt đường lớn vị trí đẹp, giá tăng từ 30 – 40%. Ở các tỉnh như Bắc Ninh và Bắc Giang, giá đất nền cũng tăng khoảng 20 - 30% so với năm ngoái.
Đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản miền Bắc, ông Quyết nhấn mạnh, tuy giá tăng cao, nhưng sẽ không có hiện tượng sốt đất hoặc đóng băng toàn thị trường mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương.
Các gói đầu tư công vào hạ tầng Hà Nội và các tỉnh lân cận như các tuyến đường vành đai 4, 5… là điểm nhấn giúp thị trường bất động sản tại các tỉnh vệ tinh hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển nóng, “sốt” giá tại nhiều địa phương qua các cuộc đấu giá, các nhà đầu tư cần thận trọng để giảm thiểu rủi ro bong bóng bất động sản.