MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TÔI MẤT TIỀN] LSS-Cổ phiếu "đường đắng" của tôi

Trong tình hình lạc quan chung của kinh tế, sự tăng nóng của toàn thị trường chứng khoán thì LSS của tôi lại đi ngược lại quy luật đó.

Rất đắng - Đó là sự tương phản giữa đường trong đời sống và cổ phiếu đường. Loại cổ phiếu ấy vẫn lặn ngụp ở đáy sâu dù thị trường chung có tốt đến mức nào, và tất nhiên nó đem đến sự xui xẻo cho những người từng đặt niềm tin vào đó.

Nếu chỉ nhìn vào bức tranh kinh tế của đất nước và ngành nông nghiệp nói chúng thì hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng các cổ phiếu của ngành đều đáng mua, miễn rằng chúng không quá xấu, công ty không quá thua lỗ, cũng như dính phốt nào quá nghiêm trọng. Vậy mà cổ phiếu ngành đường đầu năm 2018 lại không như thế. VN-Index lập đỉnh sau 11 năm chờ đợi, nhiều doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp khởi sắc, nhưng cái mốc hơn 1100 điểm không đủ để những cổ phiếu ngành đường có thể đem lại niềm vui cho ai sở hữu nó.

Đó chính là sai lầm khiến tôi mất tiền, và nếm trải vị đắng của cổ phiếu đường. Trong tình hình lạc quan chung của kinh tế, sự tăng nóng của toàn thị trường chứng khoán thì LSS của tôi lại đi ngược lại quy luật đó. Tôi mua cổ phiếu này phần lớn không vì nó tốt, mà vì thiện cảm với nó, về quá khứ từng lãi với cổ phiếu này. Phải nhắc lại chuyện trước đây một chút, khí LSS là cổ phiếu tôi tự nghiên cứu ra. Sau khi xem xét về cơ bản của công ty, về triển vọng của ngành mía đường, về các vấn đề nội bộ của công ty, tôi đã quyết định sẽ thử vận may với cổ phiếu này. Do chọn thời điểm tốt nên tôi đã có lãi. Đó là kết quả đáng ghi nhận đối với một cổ phiếu tôi tự tìm ra, không nghe theo ai.

Lần lãi đó khiến tôi tự tin rằng mình cũng có thể tự tìm tòi và đầu tư tối mà không cần phải dựa vào tin phím của người khác. Tôi bắt đầu tự mãn, chỉ đánh theo quyết định của mình mà không tham khảo nhiều từ những nguồn khác.

Lần đó, tôi nhận thấy LSS đã giảm khá sâu. Với một cổ phiếu có tiếng tăm trong ngành mía đường thì mức giá mười mấy ngàn quả là khá hấp dẫn. Tôi bắt đầu nung nấu ý định mua LSS, nhưng nguyên nhân chính là do quá khứ đã từng thắng với nó nên tôi tự tin hơn so với việc nghiên cứu một cổ phiếu khác. Nhưng cẩn thận không thừa, tôi đã đi xem người ta nói gì về cổ phiếu này và các cổ phiếu ngành đường khác. Kết quả thu được là khá tiêu cực. Dân tình tỏ ra lo ngại về Hiệp định ATIGA sẽ làm cho lượng tiêu thụ của các công ty đường trong nước giảm mạnh, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm, tệ hại hơn là họ có thể sẽ lỗ nặng, dẫn đến việc cổ phiếu của họ sẽ bị bán tháo.

Lúc đó, trước những thông tin sợ hãi và những lời khuyên không nên mua cổ phiếu đường vào lúc này, tôi đã phản bác lại. Luận điểm của rôi khá đanh thép:

- Không chỉ ngành đường mà các ngành khác cũng sẽ đối mặt với thách thức, họ cũng đã có sự chuẩn bị rồi.

- Nhà nước không thể để cho một ngành chết yểu vì Hiệp định và sẽ có ưu đãi.

- Với loại sản phẩm thiết yếu thì dân ta không dễ thay đổi thói quen sang hàng của Lào hay Campuchia.

Tôi còn lý luận rằng, trong nguy hiểm ta mới có cơ hội chiến thắng. Tâm lý sợ hãi của thị trường, toàn tin xấu xuất hiện chính là để gom cổ phiếu với giá rẻ. Với những lập luận như vậy, tôi tự tin rằng mình có thể kiếm được một món lãi lớn nếu đặt niềm tin vào cổ phiếu đường. Luận điểm của tôi cũng nhận được sự ủng hộ của một số người, vì họ cho rằng trong tình hình thị trường chứng khoán khởi sắc như vậy mà cổ phiếu đường vẫn ì ạch quá lâu là một sự vô lý "không hề nhẹ". Đợt đó, không chỉ tôi mà còn vài nhà đầu tư khác đã mua các cổ phiếu đường với hy vọng vào nhón ngành hẩm hiu này.

Nhưng tôi đã lầm, thị trường chứng khoán không phải là để cho những suy nghĩ áp đặt. Đó là sự tăng giảm khách quan, hay ít ra cũng không thể do một nhà đầu tư cá nhân điều khiến. Tác động tâm lý của Hiệp định thương mại không hề nhỏ. Thông tin nhiều chiều cho thấy, ngành mía đường rất khó để đối mặt với sức ép từ hàng hóa các nước khác. Thêm vào đó, thông tin lợi nhuận LSS sụt giảm, lại còn việc bán cổ phiếu của ban Lãnh đạo cũng là một tin xấu khiến cổ phiếu này tiếp tục giảm giá sâu. Tôi cũng lờ mờ hiểu rằng, có thể tin xấu chỉ là cái cớ để ép giá xuống, nhưng đó cũng chỉ là một lý do , chủ yếu vẫn là tâm lý thị trường không cho rằng đây là cổ phiếu tốt. Lần mất tiền đó làm tôi thêm chắc chắn hơn với kinh nghiệm: không bao giờ áp đặt suy nghĩ một cách chủ quan về một tin xấu mà khả năng cao sẽ gây bất lợi cho công ty tôi đang hoặc sẽ nắm giữ cổ phiếu. Đúng là vị đắng của đường, nhưng cũng là một loại thuốc giã vào cái tật suy luận bộp chộp.

Đinh Thành Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên