‘Tôi mới là ông chủ’: Khủng hoảng Starbucks khi Howard Schultz chỉ trích thẳng mặt CEO đương nhiệm, thương hiệu cà phê 100.000 đồng rơi vào hỗn loạn vì nhân viên chẳng biết nghe ai
"Tôi là ông chủ duy nhất", CEO Laxman Narasimhan của Starbucks đã phải đính chính khi phá vỡ truyền thống công ty, trở thành giám đốc đầu tiên từ bên ngoài được tuyển dụng và phải mất 7 tháng học văn hóa cà phê rồi mới lấy lại được thực quyền.
- 01-03-2024Tặng cổ phiếu Starbucks, Apple, Tesla ngày 8/3 thay vì hoa: Xu thế mới của các cặp đôi Hàn Quốc khi hẹn hò trong các dịp lễ
- 16-12-2023Bí mật sau đế chế Starbucks: Ngân hàng ‘đội lốt’ quán cà phê, khách hàng tự nguyện ‘gửi’ 1-2 tỷ USD với lãi suất 0%
- 12-10-2023'Cơn đau đầu' của Starbucks: Cà phê giá rẻ mọc lên như nấm, chuỗi sau bán rẻ hơn chỉ 3.000 đồng cũng có thể lôi kéo được khách
Vào tháng 3/2023, Cựu CEO Starbucks Howard Schultz đã thu hút giới truyền thông bằng một lời tuyên bố đanh thép cho thành công của mình trong buổi điều trần trước nghị viện.
"Hãy nói về cái danh hiệu ‘tỷ phú’ này của tôi nhé. Tôi lớn lên trong một khu nhà trợ cấp của liên bang, bố mẹ tôi chưa bao giờ sở hữu một căn nào, tôi đi lên hoàn toàn từ con số 0. Thế nhưng những gì tôi đạt được trong cuộc đời đều là nhờ vào giấc mơ Mỹ. Đúng vậy, tôi có cả tỷ USD trong tài khoản nhưng đó là do tôi kiếm được, chẳng có ai cho không tôi cả", Cựu CEO Schultz bức xúc.
Cái tên Howard Schultz đã trở thành một huyền thoại của Starbucks khi vị CEO này từng bị sa thải rồi quay trở lại vực dậy thương hiệu cà phê 100.000 đồng, sau đó nghỉ hưu rồi lại quay lại cứu doanh nghiệp lần nữa hậu đại dịch Covid-19.
Rõ ràng cái tên Schultz chẳng khác nào Jack Ma ở Alibaba hay Steve Jobs của Apple hoặc Elon Musk của Tesla vậy.
Thế nhưng cái bóng quá lớn của Schultz lại đang ảnh hưởng nặng nề, gây chia rẽ nội bộ Starbucks bằng một bài đăng chỉ trích CEO đương nhiệm một cách thiếu chuyên nghiệp.
Trớ trêu thay, nhiều chuyên gia cho rằng kết quả yếu kém của Starbucks hiện nay đến từ chính tầm nhìn về văn hóa cà phê của Schultz cũng như việc ông áp đặt kế hoạch kinh doanh lên người kế nhiệm một cách cứng nhắc.
Ai là ông chủ?
"Tôi mới là ông chủ duy nhất. Tôi sẽ lắng nghe Schultz nhưng sẽ không đồng tình hoàn toàn. Chúng tôi sẽ giải quyết tranh cãi một cách riêng tư", CEO Laxman Narasimhan của Starbucks đã phải thốt lên sau bài đăng chỉ trích thiếu chuyên nghiệp của Howard Schultz trên LindedIn.
Trên thực tế, mâu thuẫn nội bộ ban lãnh đạo Starbucks đã manh nha từ năm ngoái. Khi Howard Schultz đi xem một buổi tập của New York Giants đã nói với người kế nhiệm Laxman Narasimhan rằng điều hành công ty cũng tương tự như một đội bóng vậy, có tấn công, phòng thủ và các chiến thuật đặc biệt.
"Đó là một đội bóng. Còn chúng ta là một công ty", ông Narasimhan đáp trả.
"Ông không thích như thế ư, được thôi, công ty là của ông hết", Schultz cười nói.
Năm 2023, huyền thoại Howard Schultz đã chuẩn bị cho sự nghỉ hưu của mình bằng người kế nhiệm Narasimhan với cả một giai đoạn đào tạo về văn hóa cà phê tại Starbucks.
Tưởng chừng như việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra êm thấm nhưng không. Báo cáo kết quả kinh doanh yếu kém quý I/2024 của Starbucks đã khiến Schultz đăng bài viết chỉ trích CEO đương nhiệm trên LinkedIn một cách thiếu chuyên nghiệp.
Thương hiệu cà phê 100.000 đồng đã phải cắt giảm triển vọng tài chính lần thứ 2 từ đầu năm đến nay khiến giá cổ phiếu giảm mạnh 16% đầu tháng 5/2024. Đây cũng là phiên giảm điểm tệ nhất của Starbucks kể từ khi niêm yết vào năm 1992.
Với cái bóng quá lớn của mình, bài đăng của Schultz đã nhận được rất nhiều lượt thích và sự đồng tình từ chính nhân viên và thậm chí là ban lãnh đạo Starbucks.
Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng đây lại là một nước đi dở khi "vạch áo cho người xem lưng" và gây chia rẽ nội bộ trong Starbucks.
Giờ đây, CEO Narasimhan bị thách thức uy quyền và buộc phải có động thái chấn chỉnh lại công ty, cho dù có phải đối đầu với huyền thoại của Starbucks đi chăng nữa.
Theo các chuyên gia, việc một cựu CEO đăng bài chỉ trích trực tiếp trên LinkedIn về công ty cũ hay ban lãnh đạo kế nhiệm là điều hiếm khi xảy ra ở các tập đoàn lớn.
Bất kể là Bob Iger của Disney hay Lloyd Blankfein của Goldman Sachs cũng chỉ dám càu nhàu riêng tư với bạn bè chứ không dám đăng công khai một cách thiếu chuyên nghiệp lên mạng xã hội như Schultz.
Ảo tưởng quyền lực?
Trên thực tế Schultz đã từng giành lại được quyền lực ở Starbucks bằng một bức thư gửi đến ban lãnh đạo sau khi đã rời công ty, trình bày về quan điểm vận hành, phát triển cho thương hiệu này.
Chính điều này đã thôi thúc huyền thoại Starbucks đăng những lời lẽ "chân thành" lên mạng xã hội với mục đích xây dựng. Thế nhưng có lẽ chính Schultz cũng không lường được hết những hệ lụy mà bài đăng mang lại.
Ngay sau vụ việc, CEO Narasimhan đã phải tổ chức cuộc họp nội bộ để hỏi đám đông về việc họ có đồng ý đi theo mình không, đồng thời thúc giục sự hưởng ứng từ người lao động.
"Tôi không quan tâm người ngoài nói gì. Bạn có đồng ý với tôi không?", video nội bộ được phóng viên tờ Wall Street Journal (WSJ) chứng thực cho thấy CEO Narasimhan đã kêu gọi đám đông nhân viên trong cuộc họp kéo dài gần 2 tiếng.
Theo WSJ, kết quả kinh doanh của Starbucks không hoàn toàn do lỗi của CEO đương nhiệm khi ông Narasimhan mới chỉ lên nắm quyền hơn 1 năm.
Trong khi đó, tầm nhìn của Schultz về một chuỗi cà phê như là địa điểm thứ 3 cho khách hàng có thể tụ tập, làm việc hoặc thư giãn ở Starbucks đã dần mất hiệu quả.
Khó khăn về kinh tế khiến người dân thắt chặt chi tiêu trước những cốc cà phê 100.000 đồng đắt đỏ. Cho dù nhiều lao động văn phòng cần dùng cà phê buổi sáng thì họ sẽ chuyển sang các thương hiệu khác rẻ hơn chứ không còn là Starbucks.
Thêm vào đó, sự quá tải trong mạng lưới đặt hàng online càng khiến nhiều khách hàng chán nản và hủy đơn Starbucks, chuyển sang dùng thương hiệu khác.
Như vậy sự sụt giảm của Starbucks đến từ chính tầm nhìn của Schultz khi thương hiệu cà phê này không thể thay đổi để bắt kịp xu thế. Cái bóng quá lớn của huyền thoại khiến CEO mới chưa có đủ thời gian để thay đổi cách vận hành cũ và giờ đây phải nhận hết lỗi lầm về mình.
Kể từ khi Schultz rời khỏi ghế CEO Starbucks, tổng vốn hóa thị trường của hãng đã bốc hơi 29 tỷ USD và đối với cổ đông thì ông Narasimhan phải là người chịu trách nhiệm chính.
Hiện Schultz là cổ đông lớn thứ năm của Starbucks khi nắm giữ 2% số cổ phiếu đang lưu hành với tổng trị giá khoảng 1,6 tỷ USD.
Phá vỡ truyền thống
Tháng 9/2022, ông Narasimhan đã được tuyển dụng về làm CEO cho Starbucks để thay thế Schultz. Đây là bước đi phá vỡ truyền thống chỉ tuyển dụng nội bộ của Starbucks khi lần đầu tiên đưa một CEO từ bên ngoài vào công ty.
Chính vì điều này mà ông Narasimhan phải mất 7 tháng để học văn hóa của Starbucks mà không được điều hành thực tế. Mãi đến tháng 4/2023, vị CEO này mới dần có thực quyền.
Ngay cả như vậy, uy quyền của Narsimhan vẫn rất yếu khi ông từng làm giám đốc cho PepsiCO và Reckitt Benckiser nhưng chưa từng lãnh đạo một chuỗi nhà hàng hay cà phê nào.
Việc chưa có chiến tích khiến cấp dưới và ban lãnh đạo nghi ngờ năng lực của Narasimhan. Thậm chí chính Schultz cùng ban điều hành đã áp đặt kế hoạch tăng trưởng cứng nhắc từ năm 2022 theo đà tăng trước đó cho đến tận năm 2025.
Đáng buồn thay, kế hoạch này ép CEO Narsimhan phải tuân theo dù tình hình kinh tế đã không còn như trước. Người dân Mỹ không còn rủng rỉnh tiền hỗ trợ Covid-19, thay vào đó thắt chặt chi tiêu hơn. Thế nhưng ông Narasimhan chẳng thể làm gì với cái bóng quá lớn của Schultz.
Thậm chí khi đã nghỉ hưu, vị huyền thoại này vẫn đến thăm trụ sở Starbucks vào tháng 2/2024 để nói chuyện với nhân viên và được đông đảo mọi người chào đón.
Theo Chủ tịch Peter Crist của Crist Kolder Associates, việc nhà sáng lập hay cựu CEO quá thành công của một công ty gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên sự chân thành và nhiệt tâm quá mức có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo của đội ngũ kế nhiệm.
"Các thành viên Hội đồng quản trị nên can thiệp và bảo Schultz hãy im lặng", ông Crist nhận định về cuộc khủng hoảng hiện nay của Starbucks.
*Nguồn: WSJ
An Ninh tiền tệ