Tội phạm nước ngoài làm giả thẻ ATM
Sau khi ăn cắp dữ liệu của du khách quốc tế, các nhóm đạo chích mang thiết bị, phần mềm vào Việt Namđể làm thẻ giả, rút tiền tại các trụ ATM hoặc máy thanh toán (POS/EDC).
- 28-12-2015Tháng củ mật và thẻ ATM
- 10-12-2015Mất tiền trong thẻ ATM: Khách hàng có luôn ở thế yếu?
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng vừa khởi tố hai nghi phạm người Trung Quốc để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Dùng phần mềm tạo thẻ giả
Tháng 3-2016, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Hao Jan Jun và Ping San Shi liên lạc với một người ở Thái Lan qua Internet để tiếp nhận các thông tin, dữ liệu thẻ thanh toán do người này lấy trộm được từ du khách quốc tế. Hao và Ping dùng phần mềm máy tính kết nối với một máy quẹt thẻ để in dữ liệu lên thẻ trắng, tạo ra một thẻ thanh toán quốc tế giả. Khi đã rút tiền xong, hai người này xóa hết dữ liệu trên thẻ rồi tiếp tục cập nhật thông tin của chủ thẻ khác.
“Cùng một chiếc thẻ, Hao và Ping có thể nhập thông tin, dữ liệu của gần 30 người” - một cán bộ điều tra Phòng An ninh kinh tế (PA81) cho hay.
Chiều 4-4, Hao và Ping sử dụng thẻ thanh toán quốc tế giả để giao dịch tại một máy thanh toán của Công ty TNHH Kỳ Nghỉ Đà Nẵng, qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (Vietcombank). Tuy nhiên, bộ phận an ninh của ngân hàng này phát hiện nhiều điểm bất thường trong các giao dịch nên báo cơ quan an ninh điều tra kịp thời bắt giữ.
Hao và Ping khai nhận đã thực hiện 28 lần giao dịch để rút số tiền trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, họ chỉ thực hiện thành công 16 giao dịch với số tiền 225 triệu đồng. Theo cơ quan điều tra, do được làm giả tinh vi nên tỉ lệ giao dịch thành công của các loại thẻ giả này đến hơn 50%.
Cảnh báo hệ thống an ninh ngân hàng
Thủ đoạn lấy trộm dữ liệu thẻ cũng đã xuất hiện ở các điểm du lịch tập trung nhiều du khách quốc tế như Đà Nẵng, Hội An hay Nha Trang. Mới đây nhất, qua hệ thống camera, PA81 Công an TP Đà Nẵng phát hiện một thanh niên gắn chip điện tử tại một trụ ATM nhằm ăn cắp dữ liệu của chủ thẻ. Khi vào gắn chip ở trụ ATM, người này bịt khẩu trang, đeo kính nên hiện PA81 chưa xác định được danh tính.
Trước thực tế trên, cơ quan an ninh điều tra cảnh báo các ngân hàng cần chú ý đến những giao dịch thanh toán bất thường qua máy POS/EDC (máy thanh toán). Nếu trong một thời gian ngắn mà xảy ra quá nhiều giao dịch với cùng một chủ thẻ thì cần kiểm soát ngay. “Mỗi ngân hàng nên xây dựng một phần mềm quản lý rủi ro. Chỉ có phần mềm này mới phát hiện được các giao dịch bất thường cũng như việc sử dụng thẻ giả” - PA81 cảnh báo.
Theo các chuyên gia bảo mật an ninh, các ngân hàng nên thường xuyên quan sát hình ảnh ghi lại được từ các camera tại mỗi trụ ATM. Trong đó, lưu ý những người đeo kính, bịt mặt, có hành động bất thường khi rút tiền. Khi phát hiện những thẻ giả bị máy nuốt thì nên báo ngay cho cơ quan công an để truy dấu vết từ các giao dịch khác.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ thông tin về tội phạm thẻ cho các ngân hàng thương mại biết để có phương án đề phòng, đảm bảo an toàn khi thanh toán qua thẻ. Các ngân hàng thương mại cũng phải thường xuyên cập nhật các phần mềm quản lý rủi ro.
“Trước đây các ngân hàng dùng thẻ từ, dễ bị làm giả. Hiện các ngân hàng thương mại đang chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, có tính năng bảo mật thông tin tốt hơn. Tuy nhiên, do khả năng tài chính có hạn nên việc chuyển đổi phải làm dần dần” - ông Minh nói.
Pháp luật TPHCM