MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tôi thà thất nghiệp còn hơn chọn nghề kém sang”: Có những người trẻ thà chịu đói chứ không muốn làm việc chân tay

15-10-2021 - 11:12 AM | Sống

“Tôi thà thất nghiệp còn hơn chọn nghề kém sang”: Có những người trẻ thà chịu đói chứ không muốn làm việc chân tay

Có những người trẻ đã tốt nghiệp nhưng vẫn chưa tìm thấy ước mơ, để tuổi trẻ trôi qua phí hoài vì quá kén chọn nghề nghiệp.

Câu chuyện mẹ sắp về hưu vẫn nuôi con cử nhân “đợi việc” gây sốt

Sáng nay, có một chị khoảng hơn 50 tuổi gặp mình xin việc. Chị năn nỉ xin làm rửa ly, tạp vụ, dọn phòng hay cái gì cũng được. Mình nói bên mình đủ người rồi nhưng chị cứ ngồi năn nỉ mãi.

Chị nói trước đây chị làm ở một khách sạn lớn. Khách sạn đóng cửa cho nhân viên nghỉ việc từ tháng 3. Tưởng chỉ một vài tháng rồi làm lại, ai ngờ nhận được thông báo cho nghỉ luôn rồi.

- Vậy trước đây chị làm gì? Lương bao nhiêu?

- Chị làm ở trưởng bộ phận HK em. Lương cũng trên mười triệu.

- Trời, chị làm trưởng HK, lương cao vậy, giờ làm tạp vụ lương mấy triệu sao làm được chị?

- (Chị cười buồn) Giờ biết sao em. Người lớn tuổi như chị, giờ biết làm việc gì. Cũng phải đi làm kiếm tiền nuôi con chứ.

- Vậy con chị bao nhiêu tuổi rồi? Đang làm gì?

- Nó 24 tuổi rồi. Mới ra trường cũng chưa có việc làm, giờ thấy ở nhà chơi cả ngày.

- (Mình ngạc nhiên) Ủa, vậy sao con chị không xin đi làm mà chị phải khổ vậy?

- (Chị cười) Nó nói công việc chân tay khổ cực nó không làm em ơi. Cũng mong mọi thứ phục hồi lại như trước để nó tìm việc làm chứ như giờ khổ quá.

Mình im lặng không nói gì nữa. Không biết có bao nhiêu bạn trẻ để mẹ mình đi làm những công việc cực khổ nuôi mình. Còn bản thân mình thì chê việc kém sang.

Kém sang sao mẹ mình làm?

Đó là một câu chuyện được một người dùng mạng ẩn danh kể lại đang được chia sẻ rất nhiều trên MXH, đặc biệt là các mạng lưới tìm việc làm của người trẻ. Câu chuyện này đã thổi bùng lên bức xúc của nhiều người có kinh nghiệm với một bộ phận người trẻ, Không ít người có quan niệm tương tự như người con của bà mẹ nọ: Thà thất nghiệp chứ nhất định không chọn làm nghề kém sang.

Một số người từng trải đã chia sẻ câu chuyện thực tế của mình, không giấu sự bức xúc trước thái độ có phần ảo tưởng này.

Phạm Thương: “Chuẩn luôn. Còn những người thà thất nghiệp chứ không chịu làm sale cơ. Sau vài năm lăn lộn sale đủ mọi nghề từ dịch vụ đến sản phẩm thật thì mình nhận ra nếu không làm sale, các em không có cơ hội thay đổi, đột phá bản thân đâu ạ. Nhọc lòng nhất bây giờ mỗi lần tuyển dụng là: “Có việc gì mà không phải sale, không phải gọi điện cho khách không ạ?”. 

Đặng Sơn Tùng: “Ai từng tuyển dụng lao động sẽ hiểu, bây giờ là thời mà nhân viên phỏng vấn công ty rồi. Kiểu như: "Em đang cần 1 công việc, công ty nào thiếu nhân sự để lại số điện thoại, rảnh em sẽ gọi lại". Đương nhiên không phải người trẻ nào cũng thế, nhưng tôi gặp nhiều lắm!”.

Thụy Trần: “Mình có một khoảng thời gian phỏng vấn mấy bạn mới ra trường và đã ra trường được từ 3 đến 5 năm và vẫn thất nghiệp, kinh nghiệm số 0. Đưa cái bằng loại giỏi ra muốn xin vị trí Quản lý ca và mức lương 15 triệu. Mình hỏi mấy bạn biết làm gì, mấy bạn nói mấy bạn không biết gì vì chưa làm bao giờ (!?)”.

“Tôi thà thất nghiệp còn hơn chọn nghề kém sang”: Có những người trẻ thà chịu đói chứ không muốn làm việc chân tay - Ảnh 1.

Cũng có những ý kiến cho rằng, lỗi một phần là do cách giáo dục lệch lạc của gia đình và định kiến của xã hội.

Hoa Ngọc Nguyên: “Mẹ cũng chiều con quá. Nuôi học ra trường thì thả cho nó tự lập, phải cho nó biết có làm mới có ăn. Đây cũng là một trong những bài học mà các bậc làm cha mẹ nên lưu ý, ngay từ bé hãy huấn luyện cho con về giá trị của lòng tự trọng, biết trân trọng mọi công việc, không có việc nào là hèn kém. 

Bản thân ngồi một chỗ chờ việc thì đang sống bám vào người khác khi đồng tiền họ kiếm ra bằng nhiều cách nhọc nhằn khổ sở để đưa cho mình ăn, thế vẫn thản nhiên được thì chịu”.

Long Nguyễn: “Không có gốc thì làm sao lên được ngọn? Định kiến xã hội suốt ngày hướng con người phải làm "thầy", vậy thì ai làm "thợ" để vận hành cho xã hội phát triển?”.

Đỗ Thảo My: “Thật ra không phải do tụi em nghĩ vậy đâu, cũng do người lớn đó ạ. Em học đại học năm 4 rồi. Hồi năm 3 em có bán trà sữa và mấy cái linh tinh kiểu đồ khô ở quê lên bán thì bị mắng là cho học Đại học mà làm mấy thứ đó. Xong em nói mai mốt em về quê mở sân cầu lông rồi shop cầu lông thì bị la là cho tiền học đại học rồi về quê làm vớ vẩn, phí tiền”.

Đừng đánh rơi tuổi trẻ vì sĩ diện và quan niệm lỗi thời

Theo số liệu quý III năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,48%, cao hơn 0,31% so với năm 2019, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,77%. Những con số trên cho thấy cuộc chiến khó khăn mà người trẻ đang phải đối mặt trong việc kiếm công việc phù hợp với nhu cầu và năng lực.

Nhiều người trở nên thất vọng, chấp nhận hoặc nằm nhà chờ việc. Thậm chí, có người còn chọn cách… học lên Thạc sĩ với hy vọng bằng cấp cao hơn sẽ khiến họ dễ có cơ hội được tuyển dụng hơn. Một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ đó là có những thanh niên, đặc biệt là trí thức mới ra trường, thà chấp nhận thất nghiệp còn hơn làm công việc lao động chân tay. 

Theo thống kê của các chuyên gia kinh tế, thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. 

Người trẻ không mặn mà với việc “kém sang”, nhưng những công việc lương cao, nhu cầu tuyển dụng lớn, hoặc là đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm, hoặc là việc bị coi là “thấp kém” hơn so với ngồi văn phòng.

Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì với họ?

Như ý kiến ở trên đã đề cập, không ít người trẻ cho rằng làm những công việc chân tay là điều gì đó mang tính hạ cấp, thậm chí là khinh thường. Họ có bằng cấp, và tự cho rằng việc làm ở văn phòng nhàn hạ là điều hiển nhiên, cho rằng những công việc kém sang không dành cho mình. 

“Tôi thà thất nghiệp còn hơn chọn nghề kém sang”: Có những người trẻ thà chịu đói chứ không muốn làm việc chân tay - Ảnh 2.

Các bậc cha mẹ cho con đi học cũng để kỳ vọng thoát khỏi cái sự… kém sang của thế hệ trước. Họ dọa con “không học hành tử tế thì đi bốc rác”, muốn con cái đổi đời bằng tri thức và gạt bỏ từ trong tư tưởng ý định làm nghề không-ngồi-ở-văn-phòng của con. 

Và nghịch lý là, có những người trẻ “hậm hực” khi so sánh lương cử nhân ra trường 10 năm và nhận ra nó thấp hơn bà cô bán hủ tiếu, ông chú sửa xe gần nhà; nhưng vẫn tự hào vì mình.... sang hơn.

Nhiều người trẻ cũng không hài lòng với việc ra trường phải làm nhân viên, nhưng quên rằng, để đến được vạch đích, chúng ta phải đi từ vạch khởi điểm. Khởi điểm càng thấp thì càng phải nỗ lực càng nhiều. Có một thứ chắc chắn là kinh nghiệm là thứ cần tích lũy chứ không phải bỏ cục tiền ra là có được.

“Tôi thà thất nghiệp còn hơn chọn nghề kém sang”: Có những người trẻ thà chịu đói chứ không muốn làm việc chân tay - Ảnh 3.

Chỉ cần là công việc kiếm ra thu nhập và không phạm pháp là nghề cao quý rồi.

Đừng quên, những người làm nghề kém sang, nếu chăm chỉ và tích lũy thì vẫn có thể giàu có. Mà khi đã giàu rồi thì anh ta chính thức trở thành người cực kỳ sang. Còn nếu không muốn làm việc kém sang cũng được, nhưng mà phải cố gắng để xin được việc mà bản thân muốn làm.

Cuộc sống vốn là một loại đường đua sinh tồn. Nếu chỉ vì nỗi sợ và áp lực của những suy nghĩ lỗi thời giữa một xã hội câu nệ mà bỏ qua cơ hội trải nghiệm, để mình thành kẻ thất nghiệp, phí hoài tuổi trẻ trong việc lăn tăn với nghề nghiệp, người đó đã thua từ khi chưa bắt đầu rồi!

Theo Thiên Yết

Pháp luật & bạn đọc

Trở lên trên