MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôm chết hàng loạt khiến nông dân Quảng Ngãi trắng tay

14-05-2022 - 12:07 PM | Thị trường

Thời gian gần đây, do tôm chết hàng loạt nên nhiều hộ nuôi tôm ở tỉnh Quảng Ngãi rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Lo sợ dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhiều hộ nuôi tôm bỏ hồ, không dám thả nuôi vụ mới.

Năm nay, ông Đặng Văn Duy, thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi thả nuôi 60 vạn con tôm giống với tổng diện tích hồ nuôi gần 13.000m2. Xuống giống gần 1 tháng, tôm trong hồ của ông Đặng Văn Duy bị chết hoàn toàn, thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đồng.

Ông Duy nói: "Bệnh thì tôm đỏ hênh, thả 10-12 ngày trời trở là tím thân chết hàng loạt thôi. Hai lần 60 vạn là bộn rồi, còn cho ăn, may cho ăn ít chứ nhiều là chết nữa."

Trong khi đó, gia đình ông Cao Phú Lợi ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa cũng thả nuôi tại 4 hồ với hơn 50 vạn tôm giống thẻ chân trắng. Ông Phú cho biết, bao nhiêu vốn liếng dồn vào hồ tôm, giờ tôm chết trắng hồ, số tiền 300 triệu đồng vừa đầu tư cũng xem như mất trắng.

Tôm chết hàng loạt khiến nông dân Quảng Ngãi trắng tay - Ảnh 1.

Tôm ở Quảng Ngãi bị chết hàng loạt.

Ông Phú nói: "Tiền giống nó nặng, mười vạn là 15,3 triệu đồng. Một lần thả 40 vạn, 2 lần 80 vạn rồi xuôi tay. Bây giờ Công ty CP có hỗ trợ cho tui 50% nhưng chưa dám thả."

Hơn 1 tháng qua, nhiều hồ nuôi tôm của các hộ dân ở các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi đã xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt do nhiễm vi khuẩn đốm trắng và viêm gan tụy cấp tính, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Mặc dù các địa phương cũng đã cấp hoá chất Sodium Clorin cho các hộ nuôi tôm để tiêu độc, khử trùng hồ tôm nhưng tình trạng tôm chết hàng loạt vẫn tái diễn.

Ông Lương Văn Mùi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc kiểm soát dịch bệnh đối với lĩnh vực nuôi tôm gặp nhiều khó khăn vì liên quan nhiều yếu tố như nguồn giống, môi trường nước kể cả quy trình chăm sóc của người nuôi tôm.

"Thứ nhất bây giờ mình chỉ tư vấn, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật thôi, thứ hai là cấp hóa chất dự trữ để họ khử trùng môi trường nước. Việc quản lý khó do con giống, môi trường nước. Hàng năm tổ chức tập huấn, gặp gỡ  đều có hết. Khi có dịch tổ chức kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm tư vấn hết nhưng vẫn không hạn chế được", ông Mùi nói.

Theo CTV Xuân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên