Tôm nhân bản xâm chiếm nước Đức, người dân được vận động tích cực ăn để diệt bớt
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1995, khi một thương nhân Mỹ đem tôm đất Texas đến bán ở một hội chợ thú cưng ở Frankfurt.
Nhỏ, ít thịt và có vỏ lốm đốm xanh như mắc bệnh, loài tôm nước ngọt marmokrebs thoạt nhìn không phải là một món ngon cho lắm. Nhưng người dân Đức hiện nay đang được vận động phải tích cực ăn những con tôm này, bởi nếu không, cả hệ sinh thái của họ sẽ bị đe dọa.
Được mang từ Mỹ tới Đức trong thập niên 1990, loài tôm này đã tìm thấy cho mình một thiên đường không hề có thiên địch tự nhiên. Tôm marmokrebs do đó đang sinh sôi nảy nở liên tục theo cấp số nhân, trở thành một nạn dịch ở Đức và lan sang nhiều nước Châu Âu, Châu Phi và Nhật Bản.
Ngoài ra, tôm marmokrebs còn có một khả năng đặc biệt gọi là trinh sản. Nghĩa là tôm marmokrebs cái không cần thụ tinh bởi tôm đực, tự bản thân chúng có thể đẻ ra hàng trăm quả trứng và nở ra hàng trăm con tôm con nhân bản.
Bây giờ, các nhà khoa học cho biết chỉ có sức mạnh dạ dày của con người mới có thể ngăn chặn được chúng. Vì vậy, họ đang tích cực thực hiện các nghiên cứu chứng minh lợi ích dinh dưỡng của tôm marmokrebs, nhằm thuyết phục người dân ăn chúng.
Tôm marmokrebs đã xâm chiếm nước Đức như thế nào?
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1995, khi có một thương nhân Mỹ đem tôm marmokrebs đến bán ở một hội chợ thú cưng ở Frankfurt. Những con tôm kỳ lạ được quảng cáo là "Tôm đất Texas" đã lọt được vào mắt xanh của một cậu học sinh người Đức.
Cậu ta đã mua thử vài con về nhà, rồi thả chúng vào bể cá. Kỳ lạ thay, một ngày cậu học sinh thức dậy và thấy một con tôm marmokrebs đã đẻ ra hàng trăm quả trứng. Những con tôm con liên tục lớn lên và chẳng mấy chốc đầy cả cái bể nhỏ bé của cậu.
Đó rõ ràng là một chuyện lạ mà một cậu học sinh trung học nhất định phải kể với bạn bè. Và để chứng minh cho câu chuyện của mình là thật, cậu ta đã cho tất cả những người bạn này một nắm tôm marmokrebs về nuôi thử.
Mọi chuyện lặp lại y chang như vậy trong bể cá của nhóm học sinh. Và khi không còn biết cho ai tôm nữa, các cô cậu này đã đổ tôm marmokrebs xuống sông hồ gần nhà, khởi đầu cho một nạn dịch lây lan khắp Châu Âu, từ Đức tới Hungary, Cộng hòa Séc, Croatia và Ukraine.
Frank Lyko, một nhà sinh vật học ở Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức, cho biết bây giờ bạn có thể dễ dàng tìm thấy tôm marmokrebs ở các hồ nước ngọt ở Đức. "Chúng ăn bất cứ thứ gì, lá mục, ốc sên, trứng cá, cá nhỏ, côn trùng nhỏ".
Ngay đêm đầu tiên ông cùng sinh viên lái xe tới một hồ nước cách phòng thí nghiệm 15 phút, họ đã tìm thấy hàng trăm nghìn con tôm marmokrebs ở đó. "Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, ba người chúng tôi đã bắt được 150 con chỉ với tay không", Lyko nói.
Họ đã đem những con tôm về phòng thí nghiệm, giải trình tự gen của chúng và kết quả ngay lập tức khiến cả nhóm bị sốc: "Tất cả tôm marmokrebs đều có chung bộ gen". Điều đó cho thấy những con tôm cái giống này có khả năng trinh sản.
Một con tôm marmokrebs cái có thể đẻ 200-700 trứng một lứa và một năm sinh tới 4 lứa theo hình thức sinh sản vô tính
Một con tôm marmokrebs cái có thể đẻ 200-700 trứng một lứa và một năm sinh tới 4 lứa theo hình thức sinh sản vô tính. Giống như được nhân lên từ một tế bào đơn lẻ, Lyko cho biết giống tôm này đẻ như một khối u ung thư và chúng đặc biệt thích nghi với môi trường sống ở Đức.
Thật không may, loài tôm này khi phát triển có thể hủy hoại hệ sinh thái bản địa. Nó tấn công các loài sinh vật nhỏ, ăn ấu trùng cá, đe dọa nguồn thức ăn của tôm càng Đức và tiềm ẩn phát triển bệnh dịch tôm càng, một loài nấm từng xóa sổ thị trường tôm toàn Châu Âu 150 về trước.
Do đó, nhà chức trách nước này đang nỗ lực kiềm chế sự phát triển của tôm marmokrebs và tìm cách diệt trừ chúng.
"Mọi người nên ăn chúng, càng ăn nhiều càng tốt"
Tại Đức, Anh cũng như các quốc gia Châu Âu khác, tôm marmokrebs đã được liệt vào danh sách loài xâm hại và bị áp dụng một lệnh cấm nghiêm ngặt. Không một ai được phép nuôi, mua bán, cho tặng hay phóng thích tôm marmokrebs.
Thay vào đó, bộ phận môi trường của các địa phương còn thuê thêm những người đặt bẫy và trả tiền cho họ để bắt tôm marmokrebs. Klaus Hidde, một nhân viên ngân hàng nghỉ hưu ở Berlin làm nghề bẫy tôm cho biết chỉ trong vòng một năm, ông có thể bắt được hơn 42.000 con tôm marmokrebs.
Nhà chức trách sẵn sàng trả Hidde 7 Euro cho mỗi 1 kg tôm marmokrebs mà ông bắt được. Ngoài ra, nếu ông bán nó cho các nhà hàng ở Berlin, Hidde có thể kiếm thêm 13 Euro nữa.
Mặc dù vị của tôm marmokrebs không ngon như các loài tôm khác, các nhà hàng ở Đức đã được khuyến khích thêm loài tôm này vào thực đơn để giúp quốc gia giải quyết vấn nạn.
Lukas Bosch, người đồng sáng lập Holycrab!, một công ty khởi nghiệp về đa dạng sinh học, đang đi tiên phong trong sứ mệnh đó. Họ đã hợp tác với một số đầu bếp nổi tiếng ở Berlin để thử nghiệm thịt tôm marmokrebs cho món bánh mì, chế biến nó theo cách hầm và thêm cả vào món kho với cá.
"Vì những con tôm này không có thiên địch trong tự nhiên, ý tưởng của chúng tôi là: Tại sao người Berlin không thể đảm nhận vai trò đó?", Bosch nói. "Thay vì ăn chay thì trong trường hợp này, chúng ta càng ăn nhiều thịt lại càng tốt".
Thêm vào đó, Bosch hi vọng giá trị dinh dưỡng của tôm marmokrebs sẽ cám dỗ được người dân Đức chuyển sang ăn loại tôm này. Mặc dù thịt của chúng có thể không ngon như các loài tôm khác nhưng marmokrebs vẫn là một nguồn protein dồi dào, hơn nữa lại có giá rẻ.
Ngoài ra, để tận dụng vỏ của loài tôm này, các nhà nghiên cứu của Đức bao gồm Lyko còn đang khởi động một dự án chế tạo nhựa sinh học từ chitin, một hợp chất tạo màng sinh học mà họ có thể thu được từ vỏ tôm marmokrebs.
"Ngay trong tháng này, bạn sẽ được chứng kiến sự ra mắt của chiếc ống hút làm từ tôm marmokrebs đầu tiên", Lyko nói. Và bởi những chiếc ống hút này được làm từ vỏ tôm, chúng sẽ có khả năng tự phân hủy.
Vì vậy, nếu tất cả những ý tưởng này thành công, tôm marmokrebs có thể đi từ chỗ là một loài xâm hại, để trở thành một món quà mà người Mỹ đã gửi tặng cho nước Đức trong quá khứ.
Tham khảo TheGuadian
Pháp luật và bạn đọc