MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tốn hơn 5.000 tỷ chống dịch, 6 triệu con lợn bị tiêu hủy

23-12-2019 - 14:42 PM | Thị trường

Năm 2019, hơn 5.000 tỷ đồng tiền ngân sách được chi ra để hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, dịch bệnh này về cơ bản được kiểm soát, song chúng ta cũng phải tiêu hủy gần 6 triệu con lợn.

Theo báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ NN-PTNT, năm 2019, ngành chăn nuôi nước ta phải đối diện với đại dịch lịch sử, khiến cả thế giới khiếp sợ.

Song, với sự chủ động, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt

Ngay từ đầu, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể các giải pháp phòng ngừa, chống xâm nhiễm; tổ chức tiêu độc, khử trùng và dập dịch. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo tại 5 hội nghị về phòng, chống bệnh DTLCP và trực tiếp đến cơ sở để kiểm tra và chỉ đạo tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tốn hơn 5.000 tỷ chống dịch, 6 triệu con lợn bị tiêu hủy - Ảnh 1.

Chưa có con số thống kê thiệt hại về dịch tả lợn châu Phi, nhưng tiền ngân sách chi ra để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh lên tới hơn 5.000 tỷ đồng


Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các tổ chức quốc tế (OIE, FAO) và các nước hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch bệnh và tổ chức nghiên cứu vắc xin DTLCP... Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh DTLCP. Theo đó, đã bố trí ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.

Đến nay, nhiều địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì chăn nuôi lợn an toàn sinh học, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn thay thế, bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm, góp phần ổn định giá cả thị trường và chỉ số CPI...

Nhờ vậy, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145 nghìn tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%...

Trước đó, trong báo cáo tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên thiệt hại do DTLCP đã giảm xuống mức thấp nhất.

Đến nay, dịch xảy ra tại 8.526 xã thuộc của 63 tỉnh, thành với tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, tổng trọng lượng là 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Ghi nhận của PV. VietNamNet những ngày gần đây, dù dịch bệnh đã được kiểm soát, công tác tái đàn đã được thúc đẩy triển khai ở các địa phương, nhưng nguồn cung thịt lợn đang có sự khan hiếm dẫn đến giá mặt hàng này tăng lên mức cao nhất lịch sử.

Theo đó, thịt lợn hơi tại nhiều địa phương đã tăng lên mức 90.000-95.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi thịt lợn ngoài chợ tăng lên mốc 140.000-250.000 đồng/kg, nhiều loại cón lên tới 280.000-300.000 đồng/kg.


Theo Châu Giang

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên